Ảnh được binh sĩ Ukraine công bố ngày 16/4 cho thấy một xe tăng Nga với giáp mai rùa phủ gần kín thân hoạt động gần Krasnogorovka, thành phố nhỏ nằm phía tây thủ phủ Donetsk của tỉnh cùng tên.
Phần nóc của lớp giáp mai rùa dường như được ghép bằng các tấm tôn lợp mái nhà, bên trên có cụm thiết bị tác chiến điện tử chuyên gây nhiễu drone với 8 ăng-ten hướng ra các phía.
Lính Nga gần đây lắp giáp mai rùa lên xe tăng trên chiến trường nhằm chống lại drone tự sát của Ukraine. Hai xe tăng với lớp giáp tương tự từng xuất hiện trên chiến trường, trong đó một chiếc bị phá hủy khi Ukraine tấn công nhà kho chứa phương tiện.
Cấu trúc giáp mai rùa trên xe tăng Nga có cụm tác chiến điện tử cao hơn đáng kể so với hai chiếc từng xuất hiện. Điều này cho phép nâng chiều cao cụm tác chiến điện tử trên xe, giúp hệ thống hoạt động hiệu quả hơn và giảm nguy cơ tín hiệu bị cản trở.
Chưa rõ liệu bên trong lớp giáp mai rùa có lớp bảo vệ bổ sung như lưới hoặc giáp lồng chống UAV luồn vào khe hở phía trước và sau xe tăng hay không.
Quân đội Nga và một số nước từng lắp giáp lồng lên nóc và xung quanh thân xe tăng để chống drone thả đạn, drone tự sát hoặc tên lửa chống tăng có khả năng đột nóc.
Tuy nhiên, do drone ngày càng trở nên phổ biến trong xung đột Nga - Ukraine, các bên tham chiến buộc phải chế ra những loại giáp lớn và phức tạp hơn để đối phó drone có khả năng cơ động cao, xuyên qua kẽ hở của giáp lồng truyền thống. Giáp mai rùa được ví như bản nâng cấp của giáp lồng, nhưng mới chỉ được lính Nga áp dụng.
"Lớp giáp mai rùa hạn chế nghiêm trọng chuyển động quay của tháp pháo và khả năng quan sát tình huống của kíp lái. Trọng lượng và hình dáng cấu trúc làm giảm đáng kể khả năng di chuyển của xe tăng", biên tập viên Joseph Trevithick của TWZ nhận xét.
Xe tăng và thiết giáp Nga với tổ hợp tác chiến điện tử chống drone xuất hiện ngày càng nhiều trên chiến trường kể từ tháng 3. Ukraine cũng lắp thiết bị tương tự trên phương tiện chiến đấu để đối phó với drone Nga.
Các hệ thống tác chiến điện tử nói trên gây nhiễu tín hiệu giữa drone và người vận hành, cản trở hoạt động điều khiển hoặc ngăn phương tiện chuyển hình ảnh về căn cứ.
Điều này có thể đặc biệt gây khó khăn cho drone tự sát góc nhìn thứ nhất (FPV), khi người điều khiển cần nhận tín hiệu video để đưa phương tiện tiếp cận và tấn công mục tiêu.
Giới chuyên gia phương Tây đánh giá Nga sở hữu nhiều thiết bị gây nhiễu có khả năng áp chế tín hiệu của Ukraine bằng cách phát sóng cùng tần số với công suất cao hơn. Các đơn vị Nga phối hợp với nhau tốt hơn phía Ukraine trong hoạt động tác chiến điện tử chống drone.
Tuy nhiên, năng lực tác chiến điện tử của Nga không đồng đều dọc theo chiến tuyến dài hơn 1.000 km. Xe tăng và thiết giáp Nga từng là mục tiêu dễ dàng của drone vì chúng không được lắp hệ thống gây nhiễu.
Lính Nga gần đây lắp hệ thống tác chiến điện tử lên phương tiện chiến đấu, song thường là các biện pháp tình thế. Các hệ thống này đòi hỏi cung cấp năng lượng liên tục, khiến lính xe tăng Nga phải lắp thêm ắc quy dự phòng, nhưng cũng không đảm bảo chặn được hoàn toàn drone Ukraine.
Lính Ukraine kể chiến dịch tịch thu xe tăng gây nhiễu của Nga
Nguyễn Tiến (Theo TWZ, AFP, Reuters)