“Nga sẽ tiếp tục thảo luận với các đối tác trong trục Matxcơva - Bắc Kinh - New Delhi. Điều này rất quan trọng cho sự ổn định quốc tế nói chung”, Ngoại trưởng Nga Igor Ivanov phát biểu tháng trước tại cuộc gặp của quan chức ngoại giao ASEAN ở Campuchia. Ông cũng khẳng định rằng ba bên cùng chia sẻ quan điểm về “một thế giới đa cực và công bằng”.
Và để thể hiện một sự quyết tâm như vậy, có tin Nga, Ấn, Trung đã đánh tiếng về khả năng ký Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC). Không chỉ có thế, ba nước còn ra sức tán dương lẫn nhau. Matxcơva từng coi chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Ấn Độ Atal Bihari Vajpayee là tối quan trọng cho sự ổn định toàn cầu, đồng thời hoan nghênh Bắc Kinh và New Delhi ngày càng tích cực tham gia vào các cuộc đối thoại.
Về phần mình, Bắc Kinh thừa nhận ba quốc gia cùng quan điểm về một số vấn đề quốc tế, dù không khẳng định các bên đang có những động thái thiết lập một liên minh chiến lược. Tuy nhiên, thực tế minh chứng các bước đi tăng cường quan hệ trong tam giác. Buôn bán vũ khí giữa Nga và hai quốc gia châu Á đang ngày càng tăng trưởng mạnh. Bắc Kinh và New Delhi hàng năm đều mua vũ khí từ Matxcơva, và các vụ làm ăn này có giá trị hàng tỷ USD. Ngoài ra, Nga và Ấn Độ mới đây đã tổ chức một cuộc tập trận chung trên biển Ấn Độ Dương. Thậm chí máy bay ném bom chiến lược của Nga từ Trung Á là Tu-95 Bears và Tu-160 Blackjacks đã được điều động để tham gia cuộc diễn tập chống tên lửa hành trình.
Cựu thủ tướng Nga Yevgeny Primakov là người đầu tiên đề xuất ý tưởng “tam giác chiến lược” giữa Nga, Ấn Độ và Trung Quốc 4 năm trước đây. Ban đầu, Matxcơva không nhận được phản ứng tích cực từ Bắc Kinh và New Delhi. Trung Quốc thì bác bỏ, trong khi Ấn Độ liên tục giải thích rằng ba nước không hề tìm cách thiết lập một trục riêng rẽ và các cuộc thảo luận ba bên không nhằm vào Mỹ hay bất kỳ một quốc gia nào khác. Tuy nhiên, chuyến thăm Trung Quốc và Ấn Độ của Tổng thống Nga Vladimir Putin tháng 12 năm ngoái, với lời kêu gọi về một thế giới đa cực, cho thấy dường như ba nước này muốn kiềm chế Mỹ. Bởi lẽ, cả ba đều từng cảm thấy bất an vì cuộc chiến Iraq. Họ cùng ủng hộ vai trò của Hội đồng Bảo an trong việc giải quyết các cuộc khủng hoản trên thế giới; ủng hộ quan điểm không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền.
Nga, Trung Quốc và Ấn Độ hiểu rõ sự cần thiết phải hợp tác trong các vấn đề chiến lược, an ninh và kinh tế. Tuy thế, tới nay, ngoài lời kêu gọi về một thế giới đa cực, ý tưởng về một cực đối lập với Mỹ vẫn chưa biến thành chính sách cụ thể, rõ ràng.
B.T. (theo Asia Times)