Nga hôm 11/5 công bố lệnh trừng phạt 31 công ty, phần lớn thuộc tập đoàn Gazprom Germania, vốn là công ty con tại Đức của tập đoàn năng lượng khổng lồ Nga Gazprom. Hồi tháng 4, Đức tuyên bố kiểm soát Gazprom Germania để đảm bảo nguồn cung khí đốt, còn công ty mẹ Gazprom thông báo rút khỏi công ty này.
Lệnh trừng phạt cũng ảnh hưởng đến EuRoPol GAZ S.A. của Ba Lan, công ty sở hữu phần đi qua Ba Lan trong hệ thống đường ống dẫn khí Yamal-châu Âu.
Theo sắc lệnh được Tổng thống Vladimir Putin ký vào đầu tháng này, công dân và thực thể Nga bị cấm thực hiện nghĩa vụ hợp đồng hay ký kết giao dịch với các công ty trong danh sách trừng phạt. Các tàu liên quan tới những công ty này cũng bị cấm cập cảng Nga.
Gazprom Germania là nhà điều hành một số cơ sở lưu trữ khí đốt lớn ở Đức và có một số dự án ở Serbia, Áo và Cộng hòa Czech.
Bộ Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu Đức hôm 11/5 thông báo chính phủ đang thực hiện các thỏa thuận cần thiết và chuẩn bị cho nhiều kịch bản khác nhau. "Nhóm ứng phó khủng hoảng khí đốt đang theo dõi tình hình sát sao", cơ quan này cho biết. "Hiện tại, nguồn cung được đảm bảo và giám sát liên tục".
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Mỹ cùng các đồng minh áp đặt nhiều vòng trừng phạt với Nga, như loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, cấm nhập khẩu nhiều nguồn hàng từ Nga và bỏ quy chế tối huệ quốc với nước này. Mỹ cũng công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu và các sản phẩm năng lượng khác từ Nga.
Các nước phương Tây đang đóng băng khoảng một nửa trong hơn 600 tỷ USD dự trữ dưới dạng ngoại tệ và vàng của Ngân hàng Trung ương Nga. Đây được coi là một trong những biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn nhất nhằm vào Moskva. Tổng thống Nga Putin đã cảnh báo mọi nỗ lực cô lập Nga của phương Tây sẽ thất bại.
Hồng Hạnh (Theo AFP)