Trong dự thảo nghị quyết công bố ngày 1/11, Nga và Trung Quốc muốn xóa lệnh cấm xuất khẩu tượng, hải sản và hàng dệt may của Triều Tiên, đồng thời nâng hạn mức nhập khẩu xăng dầu tinh chế. Dự thảo cũng bao gồm đề xuất dỡ lệnh cấm người Triều Tiên làm việc ở nước ngoài, miễn trừ các dự án hợp tác đường sắt và đường bộ liên Triều khỏi lệnh trừng phạt.
Nga và Trung Quốc muốn 15 thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc dỡ bỏ các điều khoản trừng phạt trên nhằm "cải thiện sinh kế của dân thường" tại Triều Tiên. Liên Hợp Quốc áp nhiều lệnh trừng phạt Triều Tiên từ năm 2006 do các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.
Một số đại diện ngoại giao tại Liên Hợp Quốc cho biết dự thảo nghị quyết khó thu hút được nhiều sự ủng hộ. Nga và Trung Quốc năm 2019 tổ chức hai vòng đàm phán không chính thức về dự thảo nghị quyết nới trừng phạt Triều Tiên, song chưa đưa ra biểu quyết tại Hội đồng Bảo an.
Trung Quốc và Nga chưa lên lịch cho các cuộc đàm phán liên quan dự thảo nghị quyết mới. Nghị quyết của Hội đồng Bảo an muốn được thông qua cần 9 phiếu thuận và không bị nhóm thành viên thường trực gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga và Trung Quốc phủ quyết.
Các phái bộ ngoại giao của Nga và Trung Quốc chưa bình luận về thông tin. Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Trương Quân hồi tháng 10 cho biết "nên giải quyết các vấn đề nhân đạo đến từ lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an".
Phát ngôn viên phái bộ Mỹ tại Liên Hợp Quốc từ chối bình luận về các cuộc thảo luận kín của Hội đồng Bảo an, song nói rằng các thành viên nên tập trung vào giải quyết những bên đang vi phạm lệnh trừng phạt.
Triều Tiên tiếp tục chương trình hạt nhân và tên lửa trong nửa đầu năm nay, bất chấp tình hình kinh tế khó khăn. Các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc và đợt đóng biên kéo dài để ngăn đại dịch Covid-19 được cho là nguyên nhân khiến Triều Tiên đối mặt khó khăn kinh tế.
Nguyễn Tiến (Theo Reuters)