"Hôm nay, đại sứ quán Mỹ tại Moskva đã công bố 'các tuyến đường biểu tình' tại các thành phố Nga và tung ra thông tin về một cuộc 'tuần hành vào Điện Kremlin'", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đăng Facebook. "Các đồng nghiệp Mỹ sẽ phải tự giải thích".
Bình luận của bà Zakharova được đưa ra sau các cuộc biểu tình diễn ra tại hàng chục thành phố Nga, gồm thủ đô Moskva, hôm nay để ủng hộ nhà hoạt động đối lập Alexei Navalny. Các nhóm quan sát cho biết hơn 1.300 người đã bị bắt, song Điện Kremlin chưa bình luận về thông tin này.
Yulia Navalnaya, vợ Navalny, cũng đăng lên Instagram bức ảnh cho thấy bà bị bắt và bị xe cảnh sát đưa đi.
Đại sứ quán Mỹ đã phát "cảnh báo biểu tình" cho công dân nước này ở Nga, khuyến cáo họ tránh các cuộc biểu tình ở Moskva, Saint Petersburg và các thành phố khác.
Giới chức Nga nói rằng những cuộc biểu tình diễn ra bất hợp pháp vì không được cho phép. Họ trước đó cũng cảnh báo sẽ giải tán người biểu tình. "Thưa các công dân, hoạt động này là bất hợp pháp. Chúng tôi cố gắng hết sức để đảm bảo an toàn cho mọi người. Hãy cảnh giác và nếu có thể, hãy rời khỏi sự kiện bất hợp pháp", cảnh sát cảnh báo bằng loa phát thanh.
Navalny bị bắt hôm 17/1, ngay khi vừa về nước cùng vợ sau nhiều tháng điều trị tại bệnh viện Đức. Giới chức Nga cho biết Navalny bị bắt với cáo buộc vi phạm quy định về án treo và sẽ bị tạm giam đến cuối tháng, khi một phiên tòa được tổ chức nhằm quyết định có chuyển bản án treo của ông thành án tù 3,5 năm hay không.
Mỹ hôm 17/1 chỉ trích Nga vụ bắt Navalny và yêu cầu Moskva lập tức thả nhà hoạt động này. Mỹ cáo buộc đây là một phần trong các nỗ lực của giới chức Nga nhằm "bịt miệng" Nalvalny và các nhà hoạt động đối lập khác.
Đại sứ quán Mỹ tại Moskva hôm nay cho biết họ đang theo dõi các cuộc biểu tình, đồng thời nói thêm rằng Washington ủng hộ "quyền của tất cả mọi người được biểu tình hòa bình, tự do ngôn luận".
Các đồng minh của Navalny đã kêu người ủng hộ tập trung tại Moskva và cùng tuần hành về phía Điện Kremlin để yêu cầu thả Navalny. Nhà hoạt động đối lập đã được chuyển tới nhà tù Matrosskaya Tishina ở Moskva, một trong những cơ sở giam giữ nghiêm ngặt nhất ở Nga.
Navalny từng nhiều lần dẫn đầu các cuộc biểu tình quy mô lớn trên đường phố Nga, gần đây nhất là vào mùa hè năm 2019 khi các đồng minh của ông không được phép tham gia các cuộc bầu cử địa phương.
Việc Nga bắt Navalny hứng chỉ trích từ Mỹ và các nước phương Tây. Tuy nhiên, Nga nhiều lần đáp trả, yêu cầu các lãnh đạo nước ngoài "tôn trọng luật pháp quốc tế" và "xử lý các vấn đề trong đất nước" của họ. Điện Kremlin cũng khẳng định sẽ không xem xét yêu cầu thả Navalny của các nước phương Tây bởi đây là vấn đề nội bộ.
Huyền Lê (Theo AFP, RT)