"Mỹ lên án mạnh mẽ quyết định của Nga về việc bắt Alexei Navalny", Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết trong một tuyên bố hôm 17/1, nhấn mạnh lo ngại rằng đây là một phần trong các nỗ lực của giới chức Nga nhằm "bịt miệng" Nalvalny và các nhà hoạt động đối lập khác.
Navalny bị bắt tại sân bay Sheremetyevo, Moskva, hôm qua, chưa đầy một giờ sau khi ông trở về từ Berlin. Các nguồn thạo tin cho biết 4 cảnh sát đã yêu cầu Navalny đi theo khi ông đang làm thủ tục nhập cảnh Nga. Nhà hoạt động đối lập sau đó hôn tạm biệt vợ và đi theo các sĩ quan.
Chuyến bay chở Navalny từ Berlin lúc đầu dự kiến hạ cánh ở sân bay Vnukovo, nơi hàng trăm người ủng hộ đã chờ sẵn để chào mừng ông. Tuy nhiên, chuyến bay được chuyển hướng về sân bay Sheremetyevo trong phút chót "vì lý do kỹ thuật".
"Navalny không phải vấn đề. Chúng tôi yêu cầu trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ông ấy. Các lãnh đạo chính trị tự tin không sợ tiếng nói cạnh tranh, cũng không có hành động bạo lực hoặc bắt sai đối thủ chính trị", Pompeo cho biết thêm.
Jake Sullivan, người được Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden chọn làm cố vấn an ninh quốc gia sắp tới, cũng đăng Twitter cho rằng Navalny "nên được trả tự do ngay lập tức".
Cơ quan quản lý nhà tù Nga cho biết nhà hoạt động đối lập bị bắt do cáo buộc vi phạm quy định về án treo và sẽ bị tạm giam cho đến khi diễn ra phiên tòa vào cuối tháng nhằm quyết định có chuyển bản án treo của Navalny thành án tù 3,5 năm hay không. Ông cũng có nguy cơ đối mặt với rắc rối liên quan ba vụ án hình sự khác.
Olga Mikhailova, luật sư của Navalny, tuyên bố thân chủ bị giam "vô cớ" và cáo buộc những điều đang diễn ra "đều vi phạm pháp luật".
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel chỉ trích vụ bắt Navalny là "không thể chấp nhận", trong khi Bộ Ngoại giao Pháp cho biết động thái này gây ra "mối quan ngại rất lớn". Ngoại trưởng Czech Tomas Petricek tuyên bố ông muốn Liên minh châu Âu (EU) thảo luận các biện pháp trừng phạt có thể áp dụng đối với Nga.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã phản bác lại những cáo buộc trên, yêu cầu các lãnh đạo nước ngoài "tôn trọng luật pháp quốc tế" và "xử lý các vấn đề trong đất nước" của họ.
Các nước phương Tây cáo buộc Nga "đầu độc" Navalny, 44 tuổi, vào tháng 8/2020 bằng chất độc thần kinh Novichok thời Liên Xô, buộc ông này phải đến Đức điều trị. Sau khi bình phục, Navalny quyết định trở về Nga.
Nga bác bỏ các cáo buộc trên, thậm chí cho rằng lãnh đạo đối lập này tự "đầu độc" mình để bôi nhọ Moskva. Điện Kremlin tuyên bố các hành động pháp lý với Navalny sẽ do cơ quan thực thi pháp luật liên quan tự định đoạt.
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)