Thử nghiệm quả đạn mới cho hệ thống A-135
Bộ Quốc phòng Nga hôm 16/6 tuyên bố thử nghiệm thành công mẫu tên lửa đánh chặn cải tiến, giúp tăng cường khả năng phòng thủ cho lá chắn tên lửa đạn đạo (ABM) của nước này. Vụ thử nghiệm được tiến hành tại bãi phóng thử Sary-Shagan ở Kazhakstan, Sputnik đưa tin.
"Trong bài kiểm tra, tên lửa đánh chặn đã hoàn thành nhiệm vụ và tiêu diệt mục tiêu được chỉ định", đại tá Andrei Prikhodko, chỉ huy cấp cao trong lực lượng phòng không vũ trụ Nga tuyên bố.
Quả đạn đánh chặn được cho là phiên bản cải tiến từ mẫu 53T6 của tổ hợp A-135 "Amur". Tên lửa được chứa trong hầm phóng, có khả năng chịu được các vụ nổ hạt nhân ở gần đó. Mỗi tên lửa 53T6 dài 10 m, đường kính 1,8 m, nặng 10 tấn. Nó có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo đang lao tới mục tiêu từ khoảng cách 80 km, đạt tốc độ tối đa 20.826 km/h chỉ ba giây sau khi phóng.
Tổ hợp A-135 được phát triển từ thời Liên Xô, bắt đầu biên chế vào năm 1990 và đạt trạng thái sẵn sàng chiến đấu ở khu vực Moscow sau đó 5 năm.
Nguyên lý hoạt động của A-135 là vệ tinh quân sự phát hiện tên lửa đối phương, sau đó thông báo để các trạm radar có tầm quan sát 10.000 km bám bắt mục tiêu. Tại thời điểm này, lãnh đạo Nga đưa ra quyết định có tấn công trả đũa hay không, trong khi chế độ chiến đấu được kích hoạt trên A-135.
Tính năng chính của A-135 là hoàn toàn tự động, từ việc xác định và khóa mục tiêu cho tới phóng và dẫn bắn tên lửa đánh chặn. Hệ thống này cũng có khả năng phân biệt giữa đầu đạn và mồi bẫy của tên lửa đối phương.
Mỗi địa điểm phóng triển khai quanh Moscow có 12-16 tên lửa đánh chặn 53T6. Đến năm 2016, Nga vẫn còn 68 tên lửa đánh chặn 53T6 đang trong biên chế.
Tử Quỳnh