Nga đã gọi vụ ám sát đại sứ Andrey Karlov tại thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ là một hành động khủng bố và tuyên bố sẽ đưa vụ việc ra trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngay sau vụ ám sát cũng đã gọi điện cho người đồng cấp Nga Vladimir Putin, khẳng định sẽ tăng cường hợp tác để chống lại chủ nghĩa khủng bố.
Các chuyên gia phân tích cho rằng vụ ám sát đại sứ Karlov sẽ gây ra một vết gợn trong quan hệ vừa mới nồng ấm trở lại giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng những kẻ gây ra tội ác chắc chắn sẽ không thể đạt được mục đích của mình trong việc phá hoại quan hệ giữa hai nước. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hợp sức nghiền nát kẻ thù chung sau khi một cảnh sát chống bạo động ở Ankara bắn nhiều phát súng, giết chết đại sứ Karlov trong vụ việc gây chấn động dư luận thế giới.
Cây bút Micah Halpern của Observer cho rằng vụ ám sát chấn động này sẽ có tác dụng ngược đối với những kẻ giết người, càng củng cố quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ và tăng cường cam kết của hai nước trong cuộc chiến nhằm nghiền nát IS cùng nhóm Hồi giáo cực đoan Nusra.
"Nó sẽ giúp Tổng thống Erdogan có thêm động lực để triển khai những chiến thuật mạnh tay hơn nhằm san bằng bất cứ thách thức nào đối với quyền lực của ông, đồng thời tạo điều kiện để Nga tung ra những đòn trừng phạt dữ dội nhất trên chiến trường Syria và những nơi khác", Halpern nhận định.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu vừa đặt chân xuống Moscow khi vụ ám sát xảy ra. Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Fikri Isik ngay sau đó cũng lên đường tới Nga. Điều đó chứng tỏ Moscow và Ankara vẫn tiếp tục chương trình nghị sự của mình bất chấp vụ ám sát.
Theo Halpern, người Nga vốn nổi tiếng với việc thực thi công lý nhanh chóng, họ sẽ tìm ra kẻ đứng sau vụ ám sát trong một thời gian rất ngắn, phanh phui tất cả những bên có liên quan, dù là gián tiếp hay trực tiếp, và tất cả họ đều phải chịu trách nhiệm.
Bởi vậy, các thành viên của IS chắc chắn sẽ là những kẻ đứng đầu trong danh sách điều tra của Nga. Rất có thể Mevlut Melt Altintas, cảnh sát chống bạo động Thổ Nhĩ Kỳ, kẻ đã ám sát đại sứ Karlov, là một "đặc vụ" của IS đã chui vào trong hàng ngũ lực lượng an ninh nước này để chờ thời cơ gây ra tội ác.
"Nga sẽ bày tỏ những lo ngại sâu sắc nhất, và ông Erdogan sẽ dùng nó như một cái cớ để nhắm vào các kẻ thù chính trị nhiều nhất có thể", Ian Bremmer, giám đốc công ty tư vấn rủi ro toàn cầu Eurasia Group, nói.
Chiến dịch thanh trừng quy mô lớn của ông Erdogan đối với cảnh sát và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian qua không thể tìm ra những kẻ như Altintas, bởi các lực lượng trung thành với ông không hề nhắm vào IS trong cuộc thanh trừng. Các điều tra viên dường như không quan tâm đến những mối quan hệ dây mơ rễ má của cảnh sát, quân đội với phiến quân Hồi giáo, mà chỉ tập trung vào phong trào chống lại Tổng thống Erdogan.
Đây có thể là một sai lầm của ông Erdogan và giờ đây ông đang phải trả giá cho sai lầm này của mình. Nhưng nó cũng là động lực mạnh mẽ để Thổ Nhĩ Kỳ quay sang giúp đỡ Nga một cách thực chất trong cuộc chiến chống khủng bố. "Nga cần mọi người trong khu vực và trên thế giới hiểu rằng hành động tấn công Nga là không thể chấp nhận được. Nga sẽ tung ra đòn trừng phạt chính xác và quyết liệt, còn với Thổ Nhĩ Kỳ, họ cần giữ thể diện", Halpern nhấn mạnh.
Kẻ thù chung
Đến nay chưa có bất cứ tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ ám sát, tuy nhiên cây bút Ted Kemp của CNBC cho rằng với những diễn biến chính trị gần đây ở Thổ Nhĩ Kỳ, có rất nhiều nhóm vũ trang có thể là thủ phạm gây ra vụ ám sát.
Ở quốc gia láng giềng Syria và nhiều nước Hồi giáo khác, có nhiều phần tử quá khích đang tỏ ra tức giận với chiến dịch quân sự của Nga nhằm giúp đỡ quân đội chính phủ Syria giành lại thành phố chiến lược Aleppo từ tay phe nổi dậy từng được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.
"Với việc hậu thuẫn cho chính quyền của ông Bashar al-Assad, Nga đã chống lại người Hồi giáo dòng Sunni, vốn là những người chiếm đa số trong cộng đồng Hồi giáo ở các nước Arab và Thổ Nhĩ Kỳ", tướng Mỹ về hưu Barry McCaffrey cho biết.
Một nhân chứng tại hiện trường vụ ám sát cho biết tay súng đã gọi đại sứ Karlov bằng tiếng Nga trước khi nổ súng và hô "Đấng Allah toàn năng" cùng nhiều khẩu hiệu Hồi giáo khác, trong đó có nhắc tới việc "trả thù cho Aleppo", bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ.
Chính Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã đàm phán và thỏa thuận một lệnh ngừng bắn ở Aleppo để quân nổi dậy có thời gian rút hoàn toàn khỏi thành phố này. Thỏa thuận này đánh dấu việc phe nổi dậy Syria mất đi một căn cứ địa quan trọng và đang trên bờ vực sụp đổ dưới sức ép của quân đội chính phủ và các cuộc không kích do Nga tiến hành.
Một nhóm vũ trang khác có thể đã thực hiện vụ ám sát là phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS), kẻ thù chung của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay. Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đã phát động chiến dịch quân sự can thiệp vào Syria để tấn công IS và tăng cường hợp tác với Nga trong hoạt động chống khủng bố.
"Rõ ràng vụ ám sát này nhằm cho mọi người thấy rằng ông Erdogan đã không thể kiểm soát được tình hình an ninh ngay trong biên giới nước mình", Bremmer nhận định.
Trí Dũng