Mối nguy hiểm tiềm tàng từ các cuộc tấn công toàn cầu chớp nhoáng của Washington là một trong những thách thức hàng đầu đối với Moscow, RT dẫn lời Thiếu tướng Kirill Makarov, phó chỉ huy Lực lượng Phòng vệ Không gian vũ trụ Nga, hôm qua cho biết. Vì thế, nhiệm vụ xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa hiệu quả "có tầm quan trọng tối cao" và là ưu tiên số một của Nga, ông nhấn mạnh.
Chương trình tấn công toàn cầu chớp nhoáng của Mỹ có cấu trúc tổng thể tương tự như một bộ ba hạt nhân. Nó trước tiên nhằm thực hiện các cuộc tấn công nhanh từ đất liền và biển, sử dụng tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo liên lục địa khai hỏa từ tàu ngầm. Tên lửa siêu thanh phóng từ trên không là lựa chọn thứ hai mà Lầu Năm Góc đang nghiên cứu phát triển. Ngoài ra, Washington còn lập các kế hoạch giả định ném bom động lực từ một thiết bị vệ tinh trên quỹ đạo.
Nga ước tính đến năm 2020, Mỹ sẽ sở hữu khoảng 8.000 tên lửa hành trình, 6.000 trong số này có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Moscow "phần nào chắc chắn" rằng "trong một số điều kiện cụ thể", Mỹ hoàn toàn có khả năng triển khai tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga, ông Makarov cho hay.
Học thuyết quân sự mới của Nga thông qua hồi năm ngoái nhấn mạnh quân đội nước này chỉ được sử dụng cho mục đích phòng thủ. Tuy nhiên, Moscow liệt khái niệm tấn công toàn cầu chớp nhoáng cũng như việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) củng cố sức mạnh quân đội gần biên giới Nga vào danh sách những mối đe dọa an ninh chính.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Yuri Borisov khẳng định "quân đội Nga đủ khả năng và sẽ phải phát triển một hệ thống tương tự" chương trình tấn công toàn cầu chớp nhoáng.
Những hệ thống phòng thủ mới
Để đối phó với những mối đe dọa, Nga đang xây dựng một loạt cơ chế phòng thủ mới, trong đó có hệ thống tên lửa lưu động đất đối không S-500 với khả năng đánh chặn các mục tiêu có tốc độ siêu âm. Hệ thống này hiện vẫn trong quá trình phát triển, nhưng theo ông Makarov, khi hoàn thành, nó sẽ có khả năng chặn đứng bất kỳ loại tên lửa đạn đạo hay mục tiêu khí động học nào.
Trong khi đó, Moscow đã thử nghiệm thành công loại tên lửa hành trình tầm xa mới cho hệ thống phòng thủ đất đối không S-400 hiện tại. "Các bước kiểm tra cuối cùng đang được thực hiện. Ba ngày trước, cuộc thử nghiệm của chúng tôi đã đạt kết quả tốt khi một tên lửa đất đối không bắn chính xác mục tiêu", ông Makarov cho biết.
Ông Makarov thêm rằng dù thủ đô của nước Nga gần như được bảo vệ 100% trước các cuộc tấn công từ trên không nhưng Lực lượng Phòng vệ Không gian vẫn đang tiến hành nghiên cứu để củng cố năng lực nhằm bảo vệ những vùng biên giới xa hơn của đất nước.
Nga cũng đã triển khai các tên lửa phòng không và hệ thống pháo binh đến vùng Bắc Cực. Bộ Quốc phòng còn có kế hoạch điều động máy bay đánh chặn MiG-31 nhằm bảo vệ tàu thuyền dọc tuyến đường Biển Bắc. "Chúng tôi đã đặt các hệ thống Pantsir ở vùng Bắc Cực và đang lên kế hoạch đưa chiến đấu cơ MiG-31 tới các đường bay tại khu vực này", ông Makarov nói. Pantsir là một tổ hợp tên lửa, pháo phòng không có thể tiêu diệt các mục tiêu ở tầm ngắn và tầm trung.
Bên cạnh đó, một trạm radar mới tự động hoàn toàn cũng đang bước vào những khâu kiểm tra cuối cùng. Theo phát ngôn viên Bộ Quốc phòng, trong tương lai, mạng lưới các trạm radar này sẽ trải dài ở vùng Bắc Cực mà không yêu cầu bất kỳ nhân viên nào phải điều khiển và chỉ cần bảo trì mỗi tháng một lần.
Vũ Hoàng (theo RT)