Tên lửa Sarmat rời giếng phóng. Video: Bộ Quốc phòng Nga.
"Các hệ thống vũ khí đầy hứa hẹn sẽ sớm được biên chế cho lực lượng chiến lược. Đầu tiên, tổ hợp Sarmat sẽ được đưa vào sử dụng từ năm 2020, trong khi phương tiện lướt siêu vượt âm có thể sẵn sàng hoạt động vào năm sau", TASS dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu hồi cuối tuần trước.
Tổng thống Nga cũng yêu cầu duy trì tiến độ hiện đại hóa lực lượng hạt nhân chiến lược, trong đó tập trung biên chế tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) RS-24 Yars cho 14 trung đoàn trong năm nay. Các đơn vị này hiện vẫn sử dụng tên lửa Topol lạc hậu với nhiều tính năng thua kém mẫu Yars.
Trong thông điệp liên bang được đọc hôm 1/3, Tổng thống Putin tuyên bố Sarmat "có thể vươn tới mọi địa điểm trên thế giới". Tổ hợp RS-28 Sarmat là một trong 6 loại siêu vũ khí được kỳ vọng sẽ giúp Nga khẳng định vị thế siêu cường, nhờ khả năng xuyên thủng mọi lá chắn tên lửa của Mỹ và đồng minh. Quân đội Nga đã hai lần phóng thử tên lửa Sarmat trong những tháng qua.
Sarmat có khối lượng phóng gần 110 tấn, được thiết kế để vượt qua mọi hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại cũng như tương lai, nhằm bảo đảm khả năng răn đe hạt nhân chiến lược của Nga. Hầm chứa RS-28 đủ sức chống chịu sức công phá của 7 đầu đạn hạt nhân, nhằm gia tăng khả năng sống sót khi bị tấn công phủ đầu. Trong khi đó, hầm phóng tên lửa Minuteman III của Mỹ chỉ chịu được tối đa sức công phá của hai đầu đạn hạt nhân.
Một quan chức Nga giấu tên cho biết Sarmat có tầm bắn trên 11.000 km, mang được 10-15 đầu đạn hạt nhân với tổng sức mạnh tương đương 50 triệu tấn thuốc nổ TNT, cùng nhiều thiết bị mồi bẫy để đánh lừa hệ thống phòng thủ đối phương. Các đầu đạn có tốc độ tối đa 24.900 km/h, sử dụng hệ thống dẫn đường độc lập để tấn công nhiều mục tiêu khác nhau. Chúng có thể tự chuyển hướng trong giai đoạn hồi quyển để tránh bị đánh chặn.
Tử Quỳnh