Bộ Ngoại giao Nga hôm nay cho biết quyết định rút khỏi đàm phán về vụ máy bay MH17 của Malaysia Airlines bị bắn rơi ở miền đông Ukraine năm 2014 nhằm phản ứng đơn kiện của chính phủ Hà Lan chống lại Moskva tại Tòa án Nhân quyền châu Âu hồi tháng 7.
"Những hành động không thân thiện như vậy của Hà Lan khiến việc tiếp tục tham gia đàm phán ba bên của chúng tôi trở nên vô nghĩa", Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong một tuyên bố, đồng thời gọi các cuộc điều tra do Hà Lan dẫn đầu về vụ MH17 là "thiên vị, hời hợt và chính trị hóa".
"Australia và Hà Lan không tìm cách tìm hiểu điều gì thực sự đã xảy ra vào mùa hè năm 2014, thay vào đó là nhằm khiến Nga phải thừa nhận tội lỗi và nhận tiền bồi thường cho người thân của nạn nhân", bộ này cho biết thêm.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết ông rất ngạc nhiên trước việc Nga quyết định đơn phương ngừng đàm phán về trách nhiệm của nước này đối với thảm kịch, cũng như thời điểm Moskva ra quyết định.
"Thật đau lòng cho thân nhân của các nạn nhân", ông Rutte nói tại Brussels, thêm rằng Hà Lan sẽ tiếp tục đàm phán với Australia để "hỗ trợ 298 nạn nhân và thân nhân của họ".
Ngoại trưởng Hà Lan Stef Blok cũng nói rằng Hà Lan "rất lấy làm tiếc" về quyết định của Nga.
Chiếc máy bay chở khách MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines đang trong hành trình từ Amsterdam tới Kuala Lumpur thì bị bắn hạ ở miền đông Ukraine vào tháng 7/2014, khiến toàn bộ 298 người trên máy bay thiệt mạng, trong đó hai phần ba nạn nhân là người Hà Lan.
Theo kết quả điều tra do một nhóm chuyên gia quốc tế đến từ Hà Lan, Bỉ, Australia, Ukraine và Malaysia tiến hành, một tên lửa phòng không BUK phóng lên từ lãnh thổ miền đông Ukraine do quân ly khai thân Moskva kiểm soát, đã khiến chiếc Boeing 777 nổ tung trên bầu trời.
Các nhà điều tra cho hay có bằng chứng cho thấy tên lửa bắn hạ MH17 được đưa vào Ukraine từ một căn cứ quân sự Nga và bệ phóng di động dùng để bắn nó sau đó được đưa về Nga. Năm 2018, chính phủ Hà Lan tuyên bố Nga phải chịu trách nhiệm về vụ này và đang truy trách nhiệm của Moskva. Nga phủ nhận những cáo buộc này, cho rằng cuộc điều tra đã bị chính trị hóa.
Hà Lan hồi tháng 7 kiện Nga ra Tòa án Nhân quyền châu Âu, cho rằng Nga phải chịu trách nhiệm về vụ tai nạn. Đây là một trong những vụ hiếm hoi một quốc gia kiện một quốc gia khác trước Tòa án Nhân quyền châu Âu. Chỉ 24 vụ tương tự xảy ra từ năm 1953 tới nay.
Huyền Lê (Theo Reuters)