"Mối quan hệ giữa quan chức Nga và các lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DPR) dường như mật thiết hơn nhiều so với dự đoán ban đầu", Andy Kraag, người đứng đầu Cục Điều tra Tội phạm của cảnh sát Hà Lan, hôm nay cho biết trong một thông báo bằng video, đề cập đến nhóm ly khai ở miền đông Ukraine.
Thông báo được đưa ra khi các điều tra viên Hà Lan công bố nội dung họ chặn thu được từ các cuộc trao đổi qua điện thoại được cho là giữa các quan chức cấp cao Nga với những nghi phạm bị xác định có liên quan đến vụ bắn rơi máy bay MH17 trên bầu trời Ukraine năm 2014.
Các điều tra viên cho biết họ phát đi "lời kêu gọi nhân chứng mới" dựa trên nội dung các cuộc gọi này. Họ cũng tuyên bố đã xác định được quan chức Nga và quân ly khai Ukraine sử dụng các đường dây liên lạc bảo mật nhiều khả năng do Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB) cung cấp.
"Các quan chức Nga đã sử dụng những chiếc điện thoại đặc biệt khi liên lạc với thành viên phe ly khai Ukraine", David Nelson, sĩ quan điều tra cấp cao của Cảnh sát Liên bang Australia, cho biết. "Chúng tôi đã công bố bản ghi các cuộc điện đàm giữa họ về hành chính, tài chính và quân sự", Nelson nói thêm.
Nga chưa đưa ra bình luận về cáo buộc này.
Chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines bị bắn rơi ở miền đông Ukraine ngày 17/7/2014, khiến toàn bộ 298 người trên máy bay thiệt mạng. Mỹ và các đồng minh châu Âu tuyên bố Nga chịu trách nhiệm cho thảm kịch này và áp đặt loạt biện pháp trừng phạt, song không đưa ra được bằng chứng rõ ràng. Nga liên tục bác bỏ các cáo buộc.
Nhóm Điều tra chung (JIT) do Hà Lan dẫn đầu được thành lập ngay sau tai nạn, có sự tham gia của các nước Ukraine, Bỉ, Australia. Nga đề xuất tham gia cuộc điều tra nhưng bị từ chối.
Năm 2018, JIT tuyên bố máy bay đã bị bắn hạ bởi hệ thống tên lửa BUK từ Lữ đoàn tên lửa phòng không 53 của quân đội Nga, trích dẫn "thông tin mật" do chính quyền Mỹ và Hà Lan cung cấp.
Nga tiến hành cuộc điều tra riêng cho thấy tên lửa BUK bắn hạ máy bay được chế tạo tại nhà máy Dolgoprudny ở vùng đô thị Moskva năm 1986, được giao cho một đơn vị quân đội ở Ukraine và vẫn ở đó sau khi Liên Xô tan rã năm 1991. Tuy nhiên, bằng chứng này bị JIT bỏ qua.
JIT hồi tháng 6 phát lệnh bắt và truy tố tội giết người với ba công dân Nga bị cáo buộc chuyển hệ thống tên lửa BUK đến miền đông Ukraine và bắn rơi chiếc Boeing 777 của Malaysia Airlines. JIT dự kiến đưa ba nghi phạm ra xét xử tại một tòa án ở Hà Lan vào tháng 3/2020, dù nhiều khả năng các nghi phạm đều vắng mặt. Nga cho biết nước này rất lấy làm tiếc về kết quả điều tra và gọi các cáo buộc giết người đối với nghi phạm Nga là không có căn cứ.
Huyền Lê (Theo AFP)