Ông Shiplyuk còn bị áp lệnh hạn chế tự do đi lại trong vòng một năm rưỡi sau khi mãn hạn tù, cũng như bị phạt 500.000 ruble (khoảng 5.600 USD), theo phán quyết ngày 3/9 của thẩm phán Alexander Rybak tại tòa án ở thủ đô Moskva.
Phán quyết cho biết nhà khoa học này đã phạm tội phản quốc theo Điều 275 của Bộ luật Hình sự Liên bang Nga. Thẩm phán Rybak nói các cáo buộc nhằm vào ông Shiplyuk đã được "giảm nhẹ" trong phiên xét xử, song không nêu cụ thể. Phiên tòa của ông Shiplyuk được tổ chức theo hình thức xử kín, do các tài liệu trong vụ án là thông tin mật.
Ông Shiplyu, 57 tuổi, giám đốc chi nhánh Siberia của Viện Cơ học Lý thuyết và Ứng dụng thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, bị bắt vào tháng 8/2022. Theo truyền thông Nga, các điều tra viên cho rằng ông đã chuyển thông tin mật liên quan hoạt động phát triển khoa học của Moskva cho người khác trong một hội nghị chuyên ngành ở Trung Quốc vào năm 2017.
Ông Shiplyu được cho là không nhận tội, với lập luận rằng các tài liệu đề cập trong cáo buộc đều là thông tin đã được công khai trên mạng.
Hai đồng nghiệp của ông Shiplyu là Anatoly Maslov và Valery Zvegintsev cũng đã bị bắt vì tình nghi phản quốc vào năm 2022. Ông Maslov, 78 tuổi, lĩnh án 14 năm tù hồi tháng 5.
Khi bình luận về vụ án của ông Shiplyu và hai đồng nghiệp hồi năm ngoái, Điện Kremlin cho biết họ phải đối mặt với "những cáo buộc rất nghiêm trọng", thêm rằng đây là vấn đề thuộc thẩm quyền của các cơ quan an ninh.
Nga đã xét xử hơn 10 nhà khoa học trong lĩnh vực tên lửa siêu vượt âm với cáo buộc phản quốc trong những năm gần đây, một số người được cho là có liên quan đến Trung Quốc. Hai nhà khoa học Mỹ quen biết ông Shiplyu và ông Maslov cho biết các đồng nghiệp người Nga của họ bị bắt khi đang tham gia phát triển một mẫu tên lửa siêu vượt âm cho Moskva.
Vũ khí siêu vượt âm có tốc độ tối thiểu Mach 5 (6.174 km/h), gồm hai loại chính là tên lửa hành trình sử dụng động cơ phản lực scramjet để di chuyển với tốc độ cao và phương tiện lướt siêu vượt âm (HGV) được phóng lên bầu khí quyển bằng tên lửa đạn đạo hoặc tên lửa đẩy.
Đầu đạn HGV sau đó tách ra khỏi tên lửa và lướt đi với tốc độ siêu vượt âm trước khi bổ nhào xuống mục tiêu với vận tốc cực lớn, khiến nó gần như không thể bị đánh chặn.
Nga tự nhận là quốc gia dẫn đầu thế giới về lĩnh vực này. Nga đã nhiều lần khai hỏa tên lửa đạn đạo Kinzhal, được cho là vũ khí siêu vượt âm, trong cuộc xung đột đang diễn ra với Ukraine.
Phạm Giang (Theo Interfax, Reuters)