Vũ khí siêu vượt âm Avangard được Hiệp hội Nghiên cứu và Sản xuất Chế tạo máy, nay thuộc Tổng công ty Tên lửa Chiến thuật Nga, phát triển năm 1985 để đối phó với Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược (SDI), lá chắn mang biệt danh Chương trình Chiến tranh Giữa các Vì sao (Star Wars) của Mỹ.
"Sau khi được cân nhắc kỹ lưỡng, đề xuất phát triển vũ khí siêu vượt âm của Hiệp hội Nghiên cứu và Sản xuất Chế tạo máy bắt đầu được triển khai vào năm 1985", giám đốc điều hành Tổng công ty Tên lửa Chiến thuật Nga Gerbert Yefremov cho biết, khi được hỏi về thời gian và cách thức Nga triển khai chương trình chế tạo vũ khí siêu vượt âm Avangard.
Theo ông, vào thời kỳ đó, hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo kết hợp với việc phát triển các loại tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có khả năng đánh đòn phủ đầu giúp Mỹ tăng cường đáng kể năng lực tác chiến. Việc Mỹ sở hữu đồng thời khả năng tấn công hạt nhân phủ đầu cùng hệ thống đánh chặn tên lửa còn lại của đối phương trở thành yếu tố gây mất cân bằng chiến lược và làm leo thang căng thẳng trên thế giới.
"Chương trình SID của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan gây lo ngại cho toàn bộ ban lãnh đạo của Liên Xô", Yefremov nói và cho biết Moskva sau đó chỉ đạo cho các công ty quốc phòng nêu đề xuất về biện pháp ứng phó với chương trình SDI của Mỹ.
"Khi đó, tôi vừa được bổ nhiệm làm thiết kế trưởng của Hiệp hội Nghiên cứu và Sản xuất Chế tạo Máy. Tôi sử dụng kinh nghiệm trong quá trình nghiên cứu và phát triển trước đây để đưa ra đề xuất cho nhiệm vụ khó khăn: Vô hiệu hóa hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo truyền thống", Yefremov cho biết.
"Để làm việc này, cần phải chế tạo phương tiện bay có thể di chuyển với tốc độ lớn trong khí quyển và thực hiện được nhiều kiểu cơ động khác nhau", Yefremov nói.
Chương trình nghiên cứu vũ khí siêu vượt âm tiếp tục được thực hiện sau khi Liên Xô tan rã, các cuộc thử nghiệm trên mặt đất và trên không với tên lửa UR-100N UTTKh được triển khai cho tới đầu năm 2000.
"Tổng thống Vladimir Putin chỉ đạo trực tiếp hoạt động thử nghiệm liên quan đến hệ thống chiến đấu sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo năm 2002", Yefremov cho hay.
Tổng thống Putin ngày 19/9 cho biết vũ khí siêu vượt âm Avangard bắt đầu được nghiên cứu, phát triển ở quy mô lớn từ năm 2004, hiện thực hóa ý tưởng của nhà thiết kế Yefremov. Lần phóng thử gần nhất diễn ra tháng 12/2018, toàn bộ thử nghiệm đã thành công. Trung đoàn tên lửa đầu tiên của Nga biên chế vũ khí siêu vượt âm Avangard hồi tháng 12/2019.
Avangard được Tổng thống Putin giới thiệu lần đầu trong bài phát biểu hồi tháng 3/2018. Phương tiện lướt siêu vượt âm này đạt tốc độ Mach 27 (khoảng 33.000 km/h) trong đợt thử nghiệm tháng 12/2018, đánh trúng mục tiêu cách vị trí phóng 6.000 km.
Vũ khí siêu vượt âm có tốc độ khoảng 6.000-12.000 km/h, có thể cơ động trong quá trình bay. Nhà đạt tốc độ siêu cao và khả năng thay đổi hành trình, nó có thể tấn công mục tiêu từ bất cứ hướng nào, trở thành vũ khí gần như không thể bị đánh chặn bằng phương pháp phòng thủ tên lửa đạn đạo truyền thống.
Nguyễn Tiến (Theo TASS)