"Lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) Leonid Pasechnik và lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) Denis Pushilin đã gửi đề xuất bằng văn bản đến Tổng thống Vladimir Putin. Họ đề nghị Tổng thống Nga giúp đẩy lùi hành động hung hăng của lực lượng vũ trang Ukraine theo khoản 3 và 4 trong hiệp ước hữu nghị, nhằm ngăn thương vong dân thường và thảm họa nhân đạo", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết hôm qua.
Quan chức Nga không cho biết phản ứng của Tổng thống Putin, cũng như liệu ông chủ Điện Kremlin đã duyệt phương án đưa quân đến miền đông Ukraine hay chưa.

Lãnh đạo DPR Pushilin họp báo tại Donetsk hôm 23/2. Ảnh: Reuters.
Thông tin được đưa ra trong bối cảnh quan chức cấp cao Mỹ giấu tên cho biết 80% lực lượng Nga tại biên giới với Ukraine đã trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. "Họ đã vào vị trí có thể xuất phát ngay khi có lệnh", người này nói nhưng không cho biết thêm chi tiết.
Mỹ và đồng minh liên tục cảnh báo Nga "sắp đưa quân vào Ukraine". Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 21/2 nói với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rằng "một cuộc tấn công có thể xảy ra trong vài giờ hoặc vài ngày tới", sau khi một quan chức Mỹ cũng cảnh báo tương tự.
Tuy nhiên, đã ba ngày trôi qua mà chưa có động thái nào như vậy diễn ra. Ngoại trưởng Anh Truss hôm qua thừa nhận "chưa có bằng chứng rõ ràng" Nga đã điều quân, đồng thời nhận xét tình hình hiện tại "mơ hồ".
Tổng thống Putin ngày 21/2 ký sắc lệnh công nhận độc lập của vùng ly khai Lugansk và Donetsk, lệnh cho Bộ Quốc phòng Nga điều quân tới khu vực này làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo tại Mosvka một ngày sau, Putin nói rằng quyết định điều quân đến đông Ukraine "phụ thuộc vào tình hình thực địa".
Trong phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 22/2, Mỹ và các nước phương Tây lên án động thái của Nga. Trong khi đó, Nga cáo buộc Ukraine phá hoại thỏa thuận Minsk và chỉ trích phương Tây đẩy Ukraine về phía xung đột. Tuy nhiên, phía Nga nhấn mạnh vẫn để mở cánh cửa ngoại giao trong khủng hoảng Ukraine.
Thượng viện Nga ngày 22/2 duyệt đề xuất điều quân đội ra nước ngoài do Tổng thống Putin đưa ra với 153 phiếu thuận, không có phiếu chống và phiếu trắng. "Chúng tôi tin rằng đây sẽ là lực lượng gìn giữ hòa bình, có nhiệm vụ bảo đảm hòa bình và ổn định ở các nước cộng hòa tự xưng tại miền đông Ukraine", chủ tịch Thượng viện Nga Valentina Matvienko nói.
Xem thêm:
- Công nhận hai vùng ly khai Ukraine, Putin muốn gì?
- Nga sẽ làm gì tiếp theo tại Ukraine?
- Vì sao phương Tây lo Nga tiến quân vào đông Ukraine?
Vũ Anh (Theo AFP)