"Các công nhân xây dựng Triều Tiên có trình độ cao và chăm chỉ, có khả năng làm việc trong những điều kiện khó khăn nhất. Họ có thể giúp chúng tôi khôi phục các cơ sở hạ tầng xã hội và công nghiệp", Đại sứ Nga tại Triều Tiên Alexander Matsegora ngày 19/7 nói trong cuộc phỏng vấn với báo Nga Izvestia, về khả năng lao động Triều Tiên giúp xây dựng lại cơ sở hạ tầng bị tàn phá do chiến sự ở các nước cộng hòa xưng ở Donetsk và Lugansk, hai tỉnh tạo nên vùng Donbass ở đông Ukraine.
Đại sứ Matsegora nhấn mạnh "có nhiều cơ hội" hợp tác kinh tế giữa Triều Tiên và các nước cộng hòa tự xưng ở Donbass. Ông gợi ý các nhà máy và trạm điện của Triều Tiên được xây dựng từ thời Liên Xô có thể sử dụng thiết bị được chế tạo ở vùng Donbass. Điều này trái với lệnh cấm của Liên Hợp Quốc, được áp đặt cuối năm 2017, đối với việc Triều Tiên mua máy móc công nghiệp, thiết bị điện tử và các mặt hàng khác.
Ông Matsegora thừa nhận các lệnh trừng phạt có thể ngăn cản nỗ lực thiết lập mối liên kết thương mại giữa các nước cộng hòa tự xưng và Triều Tiên, nhưng cho rằng quan hệ kinh tế "hoàn toàn hợp lý".
![Những ngôi nhà bị phá hủy do giao tranh ở thành phố Severodonetsk, tỉnh Lugansk, miền đông Ukraine ngày 30/6. Ảnh: Reuters.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/07/20/dong-ukraine-1658291582-8159-1658291699.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=HU5c5ZQekcEe6Zp1JTyt9w)
Những ngôi nhà bị phá hủy do giao tranh ở thành phố Severodonetsk, tỉnh Lugansk, miền đông Ukraine ngày 30/6. Ảnh: Reuters.
Bình luận của Đại sứ Matsegora được đưa ra sau khi Triều Tiên công nhận độc lập của Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng. Với động thái này, Triều Tiên trở thành nước thứ ba công nhận độc lập của hai vùng ly khai miền đông Ukraine, sau Nga và Syria.
Ukraine phản ứng bằng cách cắt quan hệ ngoại giao với Triều Tiên. Bình Nhưỡng sau đó tuyên bố Ukraine "không có quyền và không đủ tư cách để nêu vấn đề chủ quyền của nước này đối với Triều Tiên".
Hai tỉnh Donetsk và Lugansk, gọi chung là vùng Donbass, trở thành điểm nóng giao tranh từ năm 2014, sau khi người dân ở đây đòi tăng quyền tự trị bất thành và tổ chức phong trào phản kháng vũ trang. Trước khi nổ ra chiến sự hồi tháng 2, chính phủ Ukraine hai lần phát động chiến dịch quân sự quy mô lớn nhằm giành lại quyền kiểm soát Donbass nhưng không thành công.
Nga có đường biên giới với Triều Tiên và đã xây dựng quan hệ với nước này từ thời Liên Xô. Năm 2019, ước tính 10.000 lao động Triều Tiên làm việc tại Nga, trong các lĩnh vực khai thác, dệt may và xây dựng.
Huyền Lê (Theo Guardian)