Trong thư gửi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres mà Reuters xem được hôm 2/9, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia nói rằng các hồ sơ cần thiết đã được nộp cho đại sứ quán Mỹ ở Moskva, nhưng Washington chưa phản hồi.
56 thị thực Moskva yêu cầu bao gồm thị thực cho nhóm ngoại giao đến trước chuẩn bị để Ngoại trưởng Sergei Lavrov và phái đoàn dự cuộc họp cấp cao Đại hội đồng LHQ tại New York, bắt đầu ngày 20/9.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov dự cuộc họp ở Addis Ababa, Ethiopia hồi tháng 7. Ảnh: Reuters.
Nebenzia nói thêm rằng không có thị thực Mỹ nào được cấp cho các nhà báo tháp tùng ông Lavrov cũng như thành viên tổ bay. Ông cho rằng tình huống này "đáng báo động" vì trong nhiều tháng qua, Mỹ "liên tục từ chối cấp thị thực" để đại biểu Nga tham dự các sự kiện của LHQ.
Đại sứ cho biết Bộ trưởng Nội vụ Nga Vladimir Kolokoltsev không thể đến New York dự hội nghị thượng đỉnh Lãnh đạo Cảnh sát LHQ tuần này. Đại diện các cơ quan thực thi pháp luật Nga cũng không thể tham dự sự kiện của LHQ tuần này về chống sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông cho mục đích tội phạm.
Nebenzia yêu cầu ông Guterres "một lần nữa nhấn mạnh với giới chức Mỹ rằng họ phải nhanh chóng cấp thị thực theo yêu cầu cho tất cả đại biểu Nga và những người đi cùng, bao gồm nhà báo Nga".
Người phát ngôn LHQ Eri Kaneko cho biết Tổng thư ký và các quan chức cấp cao khác đang liên hệ chặt chẽ với Mỹ và Nga về thị thực.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói Washington rất coi trọng nghĩa vụ của mình với tư cách nước đặt trụ sở LHQ, thêm rằng hồ sơ thị thực được bảo mật theo luật của Mỹ nên họ không thể bình luận về các trường hợp riêng lẻ.
Theo "thỏa thuận trụ sở chính" năm 1947 của LHQ, Mỹ được yêu cầu cấp phép để các nhà ngoại giao nước ngoài dự sự kiện của tổ chức. Nhưng Washington nói rằng họ có thể từ chối thị thực vì lý do "an ninh, chống khủng bố và chính sách đối ngoại".
Mối quan hệ giữa Mỹ và Nga đã rạn nứt từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2. Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Ngoại trưởng Lavrov, cáo buộc ông "chịu trách nhiệm trực tiếp" việc Nga mở chiến dịch quân sự "vô cớ và trái pháp luật". Biện pháp trừng phạt bao gồm đóng băng bất kỳ tài sản nào ông Lavrov có thể có ở Mỹ và cấm người Mỹ giao dịch với ông.
"Chúng tôi xử lý hàng trăm thị thực mỗi năm cho các đại biểu Nga tham dự sự kiện của LHQ. Hồ sơ nên nộp càng sớm càng tốt để đảm bảo được xử lý kịp thời", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói.
"Điều này đặc biệt quan trọng vì những hành động không chính đáng của Nga chống lại đại sứ quán Mỹ ở Moskva, bao gồm buộc thôi việc nhân viên địa phương và nước thứ ba, đã khiến số lượng nhân viên của chúng tôi giảm nghiêm trọng. Do đó, năng lực xử lý thị thực cũng bị ảnh hưởng", người phát ngôn nhấn mạnh.
Huyền Lê (Theo Reuters)