"Việc làm suy giảm tiến độ phát triển trong lĩnh vực sản xuất vũ khí của Nga là bất khả thi. Chúng tôi sẽ luôn tìm ra giải pháp để vượt qua mọi tình huống khó khăn", TASS dẫn lời Phó thủ tướng Nga Yuri Borisov tuyên bố.
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 20/9 bổ sung thêm 33 cá nhân và tổ chức Nga vào danh sách bị cấm vận, cũng như áp đặt trừng phạt với Cục Phát triển Trang bị thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc và quan chức đứng đầu đơn vị này vì đã mua tiêm kích Su-35S và hệ thống tên lửa phòng không S-400 từ Nga.
Quyết định này được đưa ra theo Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận (CAATSA). Theo đó, Mỹ sẽ trừng phạt cá nhân và quốc gia có giao dịch quan trọng với những thực thể liên quan tới cơ quan tình báo và quân đội Nga, bao gồm các nhà sản xuất vũ khí. Lý do Washington đưa ra là nhằm phản đối việc Moskva can thiệp bầu cử Mỹ và một số hành động khác.
Điện Kremlin phản đối lệnh cấm vận của Mỹ, cáo buộc Washington muốn "bóp nghẹt các đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực buôn bán vũ khí toàn cầu", cho rằng hành động này sẽ làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ Nga - Mỹ.
Bắc Kinh cũng phản ứng mạnh mẽ, khi Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trịnh Trạch Quang triệu tập đại sứ Mỹ Terry Branstad và đưa ra "những chỉ trích nghiêm khắc" về quyết định áp đặt trừng phạt của Washington.