"Từ góc độ quân sự, không cần phải dùng đến vũ khí hạt nhân ở Ukraine để đạt các mục tiêu đã đề ra. Mục đích chính của vũ khí hạt nhân của Nga là để răn đe một cuộc tấn công hạt nhân", Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu phát biểu tại hội nghị an ninh quốc tế Moskva hôm nay.
"Truyền thông đang lan truyền đồn đoán Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trong chiến dịch quân sự đặc biệt, hoặc sẵn sàng dùng vũ khí hóa học. Đó hoàn toàn là dối trá", ông bổ sung, cho rằng những cáo buộc này xuất hiện nhằm đánh lạc hướng sự chú ý khỏi các hoạt động sinh học quân sự bị cấm của Mỹ trên lãnh thổ Ukraine.
Hồi tháng 3, giới chức Nga cho biết cho biết quân đội nước này đã thu được những tài liệu cho thấy Mỹ đầu tư nghiên cứu vũ khí sinh học tại Ukraine, bao gồm vận chuyển vật liệu sinh học từ Ukraine ra nước ngoài. Washington và Kiev bác bỏ cáo buộc.
![Hình ảnh Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu trong một cuộc họp được Bộ Quốc phòng Nga công bố ngày 19/4. Ảnh: AFP.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/08/16/328J9PL-highres-4049-1660641576.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=th1VjR5bzM302KgRKrlo4A)
Hình ảnh Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu trong một cuộc họp được Bộ Quốc phòng Nga công bố ngày 19/4. Ảnh: AFP.
Truyền thông phương Tây trước đó nhiều lần đặt câu hỏi về khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine, đặc biệt là sau khi Tổng thống Vladimir Putin hôm 27/2 yêu cầu Bộ Quốc phòng Nga lệnh cho các lực lượng răn đe chiến lược, trong đó có những đơn vị mang vũ khí hạt nhân, cảnh giác cao độ và chuyển sang trạng thái báo động, sẵn sàng nhận lệnh chiến đấu.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từng bày tỏ lo ngại Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu chiến dịch quân sự của Moskva bị chùn bước. Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ cũng cảnh báo không thể xem nhẹ khả năng xảy ra kịch bản này nhưng chưa có bằng chứng củng cố.
Trong bài phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Shoigu cũng đề cập về Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START). Ông cho rằng đàm phán gia hạn hiệp ước là công việc "hai chiều" và tình hình liên quan đang "không dễ dàng".
New START là hiệp ước kiểm soát vũ khí cuối cùng giữa Nga và Mỹ, cho phép mỗi nước triển khai không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân. Hai bên hồi đầu năm 2021 cùng gia hạn thỏa thuận thêm 5 năm. Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 1/8 cho biết ông sẵn sàng "đẩy nhanh đàm phán khuôn khổ kiểm soát vũ khí mới" để thay thế New START hết hạn vào năm 2026. Bộ Ngoại giao Nga hoài nghi về ý định này.
Như Tâm (Theo Reuters, Sputnik)