Trao đổi với báo chí ngày 8/7, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ Giao thông đang triển khai nâng cấp, hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc Nam từ nay đến năm 2020 đạt tốc độ 80-90 km/h đối với tàu khách, 50-60km/h đối với tàu hàng.
Ngoài ra, ngành giao thông sẽ nghiên cứu phương án khả thi đường sắt cao tốc Bắc Nam để trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư trước năm 2020. Trước đó, sẽ tổ chức hội thảo, lấy ý kiến của các chuyên gia, người dân về xây mới tuyến đường sắt cao tốc song song với đường sắt Bắc Nam hiện nay.
Đề cập nguồn vốn, Thứ trưởng Đông cho biết, ngành giao thông đã hoạch định cần 40-50 tỷ USD đầu tư đường sắt cao tốc, trong đó vốn nhà nước đáp ứng khoảng 28%, còn lại sẽ huy động các nguồn trong và ngoài nước như ODA, PPP...
Lãnh đạo ngành giao thông cũng khẳng định, trong tương lai, tàu cao tốc sẽ là phương tiện rất cần thiết, đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách bên cạnh các phương tiện như hàng không, đường bộ.
Trước đó, Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển đường sắt, từ 2020 đến 2030, ngành giao thông sẽ xây dựng hệ thống đường sắt đạt tốc độ chạy tàu 160km/h-200km/h, đường đôi khổ 1,435 m và nâng cấp hạ tầng để có thể khai thác tàu cao tốc 350 km/h trong tương lai.
Đến năm 2050 sẽ hoàn thành đường sắt đôi tốc độ cao khổ 1,435 m trên toàn trục Bắc - Nam; sau 2050 sẽ khai thác tàu cao tốc 350 km/h.
Theo Ban quản lý đầu tư các dự án đối tác công tư (Bộ Giao thông), từ nay đến năm 2020, ngành giao thông vận tải cần hơn 119.000 tỷ đồng đầu tư nâng cấp đường sắt Bắc Nam và xây dựng mới các tuyến Lào Cai - Hà Nội, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Đồng Đăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Sài Gòn - Cần Thơ, cảng Hải Phòng - Lạch Huyện, Tây Nguyên và cảng biển, đường sắt xuyên Á.
Ngành đường sắt sẽ huy động nguồn vốn từ nhượng quyền kinh doanh khai thác các tuyến đường sắt Hà Nội - Vinh, Vinh - Đồng Hới, Đà Nẵng - Nha Trang, Nha Trang - TP HCM, Hà Nội - Lào Cai, Kép - Hạ Long - Cái Lân...
Đoàn Loan