
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-12M Topol. Ảnh: Tass.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết đã phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) RS-12M Topol vào cuối tháng 12/2017 tại trường bắn Kapustin Yar. Quả đạn được trang bị "vũ khí tương lai", giúp nó vượt qua những hệ thống phòng thủ hiện đại nhất hiện nay, Business Insider ngày 5/1 đưa tin.
"Trong cuộc thử nghiệm, các chuyên gia đã thu được dữ liệu dùng để phát triển phương án đối phó hiệu quả với những lá chắn tên lửa đạn đạo, nhằm trang bị cho ICBM tương lai của Nga", đại diện quân đội Nga khẳng định. Đây là vụ phóng tên lửa RS-12M thứ hai trong năm 2017, cho thấy Moscow đang nỗ lực nghiên cứu cách vô hiệu hóa hệ thống phòng thủ đa tầng của Washington.
Giới phân tích cho rằng vụ phóng thử này là một phần trong dự án nghiên cứu phương tiện lướt siêu vượt âm (HGV) của Nga. Đây là vũ khí được tách khỏi ICBM khi quả đạn ở độ cao tối đa, sau đó trở lại khí quyển và lướt tới mục tiêu, thay vì lao thẳng xuống như đầu đạn ICBM thông thường.
Điểm mạnh của HGV là tốc độ lên tới 25.000 km/h, cùng độ cao hành trình nhỏ, giúp nó tránh những hệ thống cảnh giới mặt đất và trên không gian. Ngoài ra, HGV cũng có khả năng cơ động trong khi bay, khiến các hệ thống phòng thủ không thể xác định chính xác quỹ đạo để đánh chặn.
Nga liên tục phản đối việc Mỹ triển khai lá chắn tên lửa đạn đạo trên mặt đất gần lãnh thổ nước này, gồm một tổ hợp ở Romania, một hệ thống đang xây dựng tại Ba Lan và hai tổ hợp vừa được bán cho Nhật Bản. Việc phát triển HGV được cho là cách để Moscow duy trì thế cân bằng chiến lược, bảo đảm khả năng răn đe và phủ đầu hạt nhân.
Tử Quỳnh