"Nếu mức giá trần mà họ nhắc tới thấp hơn giá thành sản xuất thì đương nhiên Nga không thể đảm bảo cung cấp dầu này cho thị trường thế giới. Đơn giản là chúng tôi không làm ăn thua lỗ", Interfax dẫn lời Phó thủ tướng Nga Alexander Novak hôm 20/7.
Mỹ đang dẫn dắt các đồng minh tiến hành những cuộc "thảo luận chi tiết" về kế hoạch áp giá trần với dầu Nga. Sau hội nghị thượng đỉnh ở Đức tháng trước, lãnh đạo các nước G7 đã đề nghị các quốc gia xem xét đề xuất này nhằm cắt giảm nguồn thu của Moskva từ năng lượng.
Lãnh đạo các nước G7 còn cảnh cáo có thể xem xét loạt biện pháp như cấm các dịch vụ vận chuyển dầu thô và sản phẩm hóa dầu Nga trên toàn cầu, trừ khi dầu được mua với giá bằng hoặc thấp hơn mức đã được thỏa thuận với sự tham vấn của các đối tác quốc tế.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hôm 13/7 cho biết phía Trung Quốc đã "lắng nghe" đề xuất áp giá trần dầu Nga. Bộ Thương mại Trung Quốc sau đó bình luận ý tưởng này là "vấn đề rất phức tạp".
Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ và một số quốc gia châu Phi, Trung Đông đã tăng cường nhập khẩu năng lượng từ Nga với giá giảm, vì nhiều nhà lọc dầu châu Âu đã ngừng mua dầu Nga theo gói trừng phạt thứ sáu của EU.
Các nguồn thạo tin hôm 15/7 nói rằng Nga đang lên kế hoạch thiết lập tiêu chuẩn dầu riêng để tránh tác động từ bên ngoài và đối phó ý tưởng áp giá trần của phương Tây.
Loại dầu thô xuất khẩu chính của Nga là Urals, thường được mua bán với mức giá thể hiện dưới dạng chiết khấu của dầu thô Brent. Đây là một phân loại thương mại đại diện cho dầu thô ngọt nhẹ, có ít hơn 0,5% lưu huỳnh, đóng vai trò chính trong kiểm chuẩn giá dầu trên toàn thế giới.
Ngọc Ánh (Theo Reuters)