"Hai ngày có thể được coi là thời điểm khiến mối quan hệ với phương Tây không thể quay lại như cũ. Lần đầu tiên là mùa thu năm 2008, khi phương Tây ủng hộ cuộc tấn công của Gruzia chống lại người Ossetia. Kẻ tấn công đã bị đẩy lùi nhanh chóng ngay lúc đó", Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết trong bài viết đăng trên tờ Izvestiya ngày 26/2.
Gruzia là quốc gia từng thuộc Liên Xô tại khu vực Kavkaz, giáp với Nga ở phía bắc. Quan hệ Nga - Gruzia luôn căng thẳng kể từ khi xung đột quân sự nổ ra tháng 8/2008, khi Gruzia tấn công hai vùng ly khai Abkhazia và Nam Ossetia.
Nga mở chiến dịch can thiệp quân sự vào Gruzia từ ngày 8/8/2008 và kết thúc sau 5 ngày giao tranh. Gruzia chịu thiệt hại nặng về lực lượng và cơ sở hạ tầng quốc phòng. Nga công nhận nền độc lập của Abkhazia và Nam Ossetia song hầu hết cộng đồng quốc tế không coi là hợp pháp.
"Điểm mấu chốt thứ hai là mùa xuân năm 2014, khi người dân Crimea bày tỏ ý nguyện của họ tại cuộc trưng cầu dân ý hợp pháp và đã vĩnh viễn trở về đất mẹ", ông Medvedev nói thêm. "Điều đó dẫn đến cơn thịnh nộ bạo lực, bất lực của phương Tây, và điều này vẫn tiếp diễn cho đến tận bây giờ".
Nga sáp nhập Crimea vào lãnh thổ hồi năm 2014. Nga nói rằng kết quả trưng cầu dân ý cho thấy hầu hết người dân Crimea muốn trở thành một phần của Nga, song Ukraine và các nước phương Tây xem động thái này là bất hợp pháp. Ukraine nhiều lần tuyên bố sẽ giành lại bán đảo này.
Trong bài viết, ông Medvedev cũng cho rằng định kiến chống Nga và mong muốn chia cắt nước Nga của phương Tây đã khiến Moskva phải mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. "Nỗi ám ảnh về việc chia cắt đất nước của chúng ta cuối cùng đã dẫn đến chiến dịch quân sự đặc biệt", ông Medvedev nhấn mạnh.
Theo ông, việc phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ chỉ dẫn đến "thảm họa".
"Tất nhiên, việc bơm vũ khí có thể tiếp tục diễn ra và ngăn chặn mọi khả năng nối lại các cuộc đàm phán", Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga cho hay. "Kẻ thù của chúng ta đang làm điều đó mà không muốn hiểu rằng việc này chắc chắn sẽ dẫn đến thảm họa. Mất mát cho tất cả mọi người. Sự tàn vong. Ngày tận thế".
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ngày 22/2 lên án chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, mô tả cột mốc một năm chiến sự là "nghiệt ngã với người dân Ukraine và cộng đồng quốc tế".
Trong một năm qua, các nước NATO do Mỹ dẫn đầu đã cung cấp vũ khí trị giá hàng tỷ USD cho Ukraine đối phó lực lượng Nga. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki và người đồng cấp Đan Mạch Mette Frederiksen hôm 23/2 cho rằng các nước Tây Âu cung cấp vũ khí cho Ukraine nhanh chóng và hào phóng hơn.
"Thẳng thắn mà nói. Nếu không có Mỹ, Ba Lan và Anh, có lẽ Ukraine đã không thể tồn tại trong vài tuần hoặc vài tháng đầu tiên", ông Morawiecki nói.
Huyền Lê (Theo TASS, Reuters)