"Chúng tôi không biết gì về sáng kiến này", Bộ Ngoại giao Nga trả lời RIA Novosti hôm nay, nhắc đến đề xuất gần đây của cựu chủ tịch Hội nghị Munich Wolfgang Ischinger rằng nên thành lập một nhóm trung gian với nòng cốt là Mỹ, Anh, Pháp và Đức để tìm cách chấm dứt khủng hoảng Ukraine.
Theo Bộ Ngoại giao Nga, sáng kiến của ông Ischinger tạo ra nhiều vấn đề. Trước tiên, 4 quốc gia nêu trên đều là các bên tham gia cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine với Nga. Tiếp theo, họ đều ủng hộ "sáng kiến hòa bình giả tạo" của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, muốn lực lượng Nga đầu hàng.
"Với cách tiếp cận như vậy, Mỹ, Anh, Pháp và Đức không thể là bên trung lập để triển khai tiến trình hòa bình. Họ không quan tâm đến giải quyết khủng hoảng và đang làm mọi việc để tối đa hóa sự đối đầu", Bộ Ngoại giao Nga cho biết thêm.
Mỹ, Anh, Pháp và Đức đều đang viện trợ vũ khí, thiết bị quân sự cho Ukraine, động thái Nga coi là bằng chứng phương Tây ngày càng can dự trực tiếp vào chiến sự. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng Nga là trở ngại duy nhất trong tiến trình hòa bình ở Ukraine.
"Mỹ muốn cuộc chiến kết thúc, nhưng hòa bình phải hợp lý và bền vững. Công việc của chúng tôi là đảm bảo Ukraine ở vị thế tốt nhất trong đàm phán. Đó là lý do chúng tôi đang nỗ lực giúp Ukraine giành lại và bảo vệ các vùng lãnh thổ bị Nga kiểm soát, bất kể là từ tháng 2/2022 hay năm 2014", người này nói, nhắc đến thời điểm Moskva mở chiến dịch ở Ukraine và sáp nhập bán đảo Crimea.
Ông Ischinger trước đó đề xuất thành lập nhóm hòa giải xung đột ở Ukraine gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức và các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc (LHQ), Liên minh châu Âu (EU), NATO. Ông cho rằng nhóm hòa giải nên thường xuyên gặp gỡ các bên liên quan xung đột ở cấp bộ trưởng.
Giải pháp hòa bình cho Ukraine gần đây được chú ý hơn sau khi Trung Quốc công bố chính sách gồm 12 điểm về vấn đề này. Nga, Belarus ủng hộ kế hoạch hòa bình của Trung Quốc. Tuy nhiên, EU, NATO cho rằng kế hoạch Trung Quốc nêu ra phản ánh không đầy đủ về cuộc chiến và Bắc Kinh không đủ trung lập.
Nga - Ukraine đình trệ đàm phán từ tháng 3/2022 và cuộc xung đột giữa hai nước chưa có dấu hiệu hạ nhiệt sau hơn một năm diễn ra. Nga nhiều lần tuyên bố chiến sự chỉ dừng lại khi họ đạt được các mục tiêu đã đề ra, trong khi Ukraine khẳng định xung đột chỉ chấm dứt khi họ giành lại được toàn bộ lãnh thổ, trong đó có 4 tỉnh và bán đảo Crimea mà Moskva đã tuyên bố sáp nhập.
Như Tâm (Theo RIA Novosti, Newsweek)