Ông Putin (trái) và Tổng thống Kyrgyzstan Askar Akayev. |
Trong khi thăm Bishkek, thủ đô Kyrgyzstan, ông Putin khẳng định việc triển khai máy bay chiến đấu là một bước đi hết sức quan trọng, thể hiện mong muốn thiết lập một trật tự mới ở Trung Á. Nhân dịp này, Tổng thống Kyrgyzstan Askar Akayev cũng kêu gọi Matxcơva đảm nhận vai trò nền tảng chiến lược trong khu vực. Quan chức đôi bên cũng đặt bút ký vào tuyên bố Bishkek, cam kết tăng cường củng cố an ninh và kinh tế, đặc biệt xóa bỏ khoản tiền 40 triệu USD mà Kyrgyzstan nợ Nga. Theo ông Putin, thỏa hiệp này không nhằm vào một nước thứ ba nào.
Hôm 2/12, 2 máy bay chiến đấu Su-25 và 2 máy bay vận tải Il-76 (cùng với 70 lính Nga làm nhiệm vụ thiết lập hệ thống không lưu) đã đáp xuống căn cứ quân sự Kant, cách Bishkek 20 km về phía đông. Hai ngày sau đó, 3 máy bay chiến đấu Su-27 xuất phát từ căn cứ Lipetsk ở miền trung nước Nga cũng hạ cánh an toàn xuống Kyrgyzstan. Như vậy, ở căn cứ Kant có tổng cộng 20 máy bay và 700 binh sĩ Nga. Theo Thông tấn xã Nga RIA, đây là đội quân tiên phong lớn nhất được triển khai ngoài biên giới Nga kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991.
Cùng với quân đội Mỹ, sự xuất hiện của không quân Nga cho thấy Kyrgyzstan đang là bến đậu của hai căn cứ không quân nước ngoài. 2.000 lính Mỹ tới đồn trú ở đây sau vụ 11/9 nhằm hỗ trợ cho các hoạt động chống khủng bố tại đất nước láng giềng Afghanistan. Liên quân hoàn toàn có thể giúp chính phủ Kyrgyzstan đương đầu với những mối đe dọa khủng bố. Tuy nhiên, lực lượng này lại khó có thể hỗ trợ Bishkek trong những vụ đụng độ căng thẳng với phe đối lập trong nước.
Thỏa thuận an ninh giữa Matxcơva và Bishkek cho thấy thất bại của Mỹ trong việc hỗ trợ về an ninh cho chính quyền của Tổng thống Akayev để giải quyết những xung đột chính trị với phe đối lập. Vì lẽ đó, giờ đây ông Akayev dường như đang nghiêng hẳn về phía Nga nhằm tìm kiếm sự trợ giúp về quân sự, chính trị và tài chính.
Kể từ khi Liên Xô tan rã, dù quan hệ Nga - Kyrgyzstan có đôi lúc nhãng ra, nhưng hai bên vẫn duy trì hợp tác quân sự và chính trị. Điều đó được minh chứng bằng việc Matxcơva ủng hộ chính quyền của ông Akayev và cảnh báo sẽ hành động nếu bất cứ quốc gia nào can thiệp vào công việc nội bộ của Bishkek. Tuy nhiên, Nga khẳng định rằng việc triển khai quân vừa qua tới Kyrgyzstan không nhằm vào lực lượng Mỹ.
Ngầm nói đến sự bất ổn tiềm tàng ở Afghanistan và nạn khủng bố vẫn hoành hành dù có sự can thiệp của Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Ivanov nhấn mạnh: “An ninh vùng Trung Á ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình an ninh ở Nga”.
Bá Thùy (theo AP)