![]() |
Phi thuyền Soyuz-TMA 10 đưa hai nhà du hành và tỷ phú Mỹ Charles Simonyi lên Trạm vũ trụ quốc tế hôm 7/4. Ảnh: Reuters. |
Vậy là thế giới đã có 5 du khách không gian đúng nghĩa, những người đã bỏ tiền "mua vé" như khách du lịch thông thường nhưng đích đến của họ là Trạm không gian quốc tế (ISS) ở giữa vũ trụ bao la.
Khai trương loại hình du lịch này là tỷ phú Mỹ Dennis Tito, người bay lên vũ trụ vào ngày 28.4.2001. Sau đó một năm, thương gia Mark Shuttleworth của Nam Phi trở thành du khách "ngoài hành tinh" thứ nhì. Một người Mỹ khác là doanh nhân Gregory Olsen tiếp bước vào năm 2005. Lịch sử du lịch vũ trụ tiếp tục với chuyến bay của nữ thương gia Mỹ gốc Iran Anousheh Ansari vào năm ngoái và chuyến bay vừa rồi của ông Simonyi, tỷ phú mang hai quốc tịch Mỹ và Hungary.
Tính đến nay đã có 4 trong số 5 du khách là người Mỹ, kể cả trường hợp ông Simonyi. Thế nhưng, điều đó có ít ý nghĩa đối với ngành du lịch không gian của nước này bởi tất cả năm chuyến đi nói trên đều sử dụng tàu Soyuz của Nga, dù công ty tiếp thị và tổ chức là Space Adventures của Mỹ.
Người Nga đã thu được bộn tiền từ du lịch không gian, bởi mỗi du khách muốn leo lên tàu Soyuz phải trả từ 20 đến 25 triệu USD. Giá vé cao cùng hàng loạt yêu cầu ngặt nghèo về sức khỏe và luyện tập, nhưng tour du lịch bằng tàu Soyuz đã được đặt kín chỗ đến năm 2009. Kết quả này đã khích lệ Matxcơva và hiện họ đang triển khai sản xuất hai "tàu khách" Soyuz và bốn tàu hàng Progress mỗi năm. Đến năm 2010, Nga sẽ có đội tàu gồm 4 chiếc Soyuz và 7 chiếc Progress. Điều đó có nghĩa khả năng thực hiện các tour du lịch sẽ được nâng cao nhiều lần.
Mỹ tăng tốc
Sau tai nạn tàu Columbia vào năm 2003, ngành không gian Mỹ gặp nhiều khó khăn. Gần đây, với những chuyến bay khá suôn sẻ của tàu con thoi Discovery và Atlantis, sự tự tin đã trở lại, khích lệ Mỹ triển khai các dự án mới, trong đó có công trình tàu Orion. Tuy nhiên, phải đến năm 2015 thì dự án này mới hoàn tất và tour du lịch ISS từ đây đến đó vẫn là sân chơi của Nga, bởi ngoài Mỹ thì ít có khả năng châu Âu, Nhật Bản hoặc Trung Quốc sẽ bất ngờ chen chân.
![]() |
Tàu con thoi Atlantis chuyến STS-106, cất cánh từ trung tâm vũ trụ Kennedy, Mỹ, tháng 9/2000. Ảnh: AP. |
Chưa thể cạnh tranh với Nga trong các tour lên ISS, người Mỹ đã tìm đường khác. Một trong những dự án đáng chú ý là của Virgin Galactic, công ty thuộc Tập đoàn Virgin do tỷ phú Richard Branson đứng đầu. Chuyến bay thử thành công vào năm 2004, khi tàu SpaceShipOne đạt độ cao 100 km, đã đặt nền móng vững chắc cho kế hoạch của Branson. Hiện Virgin Galactic đang sản xuất tàu không gian mới dựa trên phiên bản SpaceShipOne.
Điểm khác biệt trong dự án của Mỹ là họ sẽ tổ chức các tour tới độ cao cách mặt đất khoảng 100 đến 150 km, chứ không lên ISS. Điều này mới nghe có vẻ không "ép phê", nhưng đây chính là điểm nhấn mà đặt nhiều hy vọng.
Để bay lên ISS bằng tàu Soyuz, mỗi du khách phải trả ít nhất 20 triệu USD. Trong khi đó, giá vé cho mỗi chuyến của Virgin Galactic chỉ khoảng 200.000 USD. Để du lịch bằng Soyuz, người ta phải mất hàng tháng trời khổ luyện trong khi chỉ cần 3 ngày rèn sức khỏe và kỹ năng trước khi du lịch cùng Virgin Galactic. Tàu của Virgin Galactic chở nhiều người hơn và mỗi chuyến du lịch chỉ mất chừng 2h30 phút so với trung bình là 1 tuần của Soyuz. Chính sự khác biệt này mà ngay từ khi chào hàng với số lượng chỉ có 100 vé, Virgin Galactic đã nhận được tới 65.000 đơn đặt chỗ. Công ty này dự kiến sẽ thực hiện các chuyến bay du lịch đầu tiên vào năm 2009 với mật độ vài chuyến mỗi tuần.
Vậy việc Virgin Galactic đi vào hoạt động sau hai năm nữa sẽ đe dọa sự tồn vong của tuyến du lịch ISS mà người Nga đang làm chủ? Không hoàn toàn như vậy. Theo dự báo thì ngay cả khi Virgin Galactic khai trương, người Nga vẫn nhận được nhiều đơn đặt chỗ bởi việc lên Trạm ISS hoàn toàn khác so với việc bay lên độ cao khoảng 100 km rồi đáp xuống.
(Theo Thanh Niên / AP, Zee News)