"Ủy ban Các vấn đề quốc tế Hạ viện Nga đang soạn một tuyên bố, trong đó kêu gọi Liên Hợp Quốc mở cuộc điều tra, đưa ra đánh giá pháp lý đối với hành vi phá hoại đường ống Nord Stream và buộc kẻ đứng sau hành động đe dọa an ninh Á - Âu phải chịu trách nhiệm trước luật pháp", Leonid Slutsky, chủ tịch ủy ban, thông báo trên Telegram ngày 14/2.
Bản tuyên bố gửi LHQ này có thể được các nghị sĩ bỏ phiếu trong phiên làm việc ngày 16/2 của Hạ viện Nga.
Tuyên bố được soạn theo yêu cầu của Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin, sau khi nhà báo điều tra kỳ cựu Mỹ Seymour Hersh đăng bài viết cho rằng Washington đã "phá hoại Nord Stream" để đối phó Moskva.
Người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric ngày 14/2 cho biết để mở cuộc điều tra, họ cần có sự ủy quyền từ cơ quan lập pháp của tổ chức. Dujarric cho hay ông "không có thông tin gì" về nguyên nhân đường ống Nord Stream phát nổ và sẽ không đưa ra bình luận gì thêm.
Nhà báo Hersh hôm 8/2 cho rằng vào tháng 6/2022, thợ lặn hải quân Mỹ đã lợi dụng diễn tập BALTOPS 22 của NATO để cài thuốc nổ điều khiển từ xa dưới đường ống Nord Stream. Các vụ nổ xảy ra sau đó ba tháng đã phá hủy ba ống dẫn.
Theo Hersh, chiến dịch này được Tổng thống Joe Biden phê chuẩn, có liên quan Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) và nhóm chuyên trách của Hội đồng An ninh Quốc gia, được sự hỗ trợ của tình báo và hải quân Na Uy.
Nhà Trắng, CIA, Na Uy đều bác bỏ thông tin. Trong khi Nhà Trắng gọi câu chuyện của Hersh là "hoàn toàn giả tưởng và không đúng sự thật", Bộ Ngoại giao Na Uy khẳng định cáo buộc này "vô nghĩa".
Hersh là nhà báo điều tra nổi tiếng vào những năm 1970. Ông là người phanh phui vụ thảm sát Mỹ Lai và bê bối lính Mỹ tra tấn tù nhân tại nhà tù Abu Ghraib ở Iraq năm 2004. Hersh cũng từng đăng các bài viết với nội dung trái ngược tuyên bố của Nhà Trắng về chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden năm 2011.
Tuy nhiên, ông gần đây hứng chịu nhiều chỉ trích vì những thông tin không có nguồn rõ ràng, mang tính chất của thuyết âm mưu và quá dựa vào các nguồn ẩn danh. Trang điều tra Bellingcat từng chỉ trích ông vì đưa tin không đúng về các vụ "tấn công hóa học" ở Syria.
Sau bài viết của Hersh, Trung Quốc đã kêu gọi Mỹ giải thích với thế giới về vụ nổ Nord Stream, trong khi Moskva cảnh báo sẽ có những hậu quả đối với Washington sau sự cố này.
4 vị trí rò rỉ trên hai đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 được phát hiện cuối tháng 9/2022, sau những vụ nổ lớn. Hai vị trí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Thụy Điển và hai nằm trong EEZ của Đan Mạch.
Cơ quan An ninh Thụy Điển (SAPO) phát hiện dấu vết thuốc nổ còn sót lại ở khu vực đường ống Nord Stream bị rò rỉ. Cuộc điều tra chung Thụy Điển - Đan Mạch kết luận sơ bộ rằng các vụ nổ liên quan hành vi "phá hoại có chủ đích", nhưng chưa công bố bên chịu trách nhiệm trong vụ nổ. Nga nhiều lần tuyên bố phương Tây đứng sau các vụ nổ ảnh hưởng đường ống Nord Stream, song không cung cấp bằng chứng.
Như Tâm (Theo TASS, Al Mayadeen)