"Các tàu tên lửa lớp Karakurt có lượng giãn nước lớn và trang bị vũ khí mạnh, nổi bật là tổ hợp tên lửa hành trình đa năng Kalibr. Chúng có tốc độ và khả năng cơ động cao, cùng mức giá chấp nhận được. Tôi tin Karakurt sở hữu tiềm năng xuất khẩu tuyệt vời đối với nhiều quốc gia tại châu Á - Thái Bình Dương như Việt Nam, Trung Quốc và Ấn Độ", TASS dẫn lời Phó thủ tướng Nga Yuri Borisov hôm nay tuyên bố.
Tàu tên lửa thuộc Đề án 22800 "Karakurt" được Nga phát triển để thực hiện nhiệm vụ tại các vùng biển xa bờ, thay thế cho Đề án 21631 "Buyan-M" chỉ có thể hoạt động gần bờ. Hải quân Nga đã đặt mua tổng cộng 18 tàu tên lửa lớp Karakurt, chiếc đầu tiên dự kiến được biên chế trong năm nay.
Nga đang chế tạo ba tàu lớp Karakurt đầu tiên để biên chế cho Hạm đội Baltic và Hạm đội Biển Đen, trong đó hai chiếc đã hạ thủy và đang lắp đặt vũ khí. "Tôi tin quá trình sản xuất hàng loạt sẽ thu hút sự chú ý của các khách hành với loại chiến hạm này", Thứ trưởng Borisov nói.
Tàu có thiết kế tàng hình với nhiều góc cạnh để phân tán tín hiệu radar đối phương, phần thượng tầng được lắp các đài radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) để tăng khả năng phát hiện mục tiêu liên tục.
Lớp Karakurt có chiều dài 67 m, rộng 11 m, lượng giãn nước 800 tấn, tầm hoạt động 4.600 km và tốc độ tối đa 56 km/h. Mỗi tàu Karakurt có giá gần 32 triệu USD.
Vũ khí chính của lớp Karakurt là 8 tên lửa hành trình Kalibr hoặc tên lửa diệt hạm siêu thanh P-800 Oniks, được đặt trong cụm ống phỏng thẳng đứng phía sau thượng tầng. Phiên bản cho hải quân Nga được trang bị một pháo hạm AK-176MA cỡ nòng 76,2 mm, có thể tiêu diệt cả mục tiêu trên biển và trên không.
Hai chiếc đầu tiên chỉ được trang bị hai cụm pháo phòng thủ cực gần AK-630M, trong khi những chiếc còn lại sẽ mang tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-M. Lớp Karakurt không được lắp hệ thống định vị thủy âm (sonar) và vũ khí chống ngầm.