Quyết định mới của Mỹ gây nhiều tranh cãi. Ảnh: BBC. |
Medvedev tuyên bố giờ đây đã có điều kiện tốt đẹp để Mỹ và Nga đàm phán về việc giải quyết nguy cơ phát triển tên lửa ồ ạt.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố sẽ thay đổi chiến lược phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu, sau khi xem xét mối đe dọa từ phía Iran. Tuy nhiên, các thành viên đảng Cộng hòa đã gọi bước đi này là "thiển cận" và "có hại".
Nga từ lâu đã phản đối kế hoạch do cựu tổng thống Bush đưa ra khi định lắp đặt lá chắn tên lửa gần với biên giới nước này và coi đó là mối đe dọa trực tiếp tới an ninh quốc gia. Bush thì cho rằng hệ thống chỉ để phòng thủ các tên lửa từ những nước thù địch như Iran.
Đầu năm nay, Obama đã ra lệnh xem xét lại kế hoạch này. Hôm qua, Tổng thống tuyên bố tin tức tình báo mới cho thấy Iran đang theo đuổi phát triển tên lửa tầm ngắn và tầm trung, thay vì tầm xa. Vì thế, Mỹ cần một hệ thống hiệu quả ít tốn kém hơn mà có thể sử dụng các lá chắn từ đất liền và từ biển để chống lại các mối đe dọa. Mỹ sẽ không xúc tiến kế hoạch lá chắn tên lửa như đã định từ trước nữa.
Trong bài phát biểu trên truyền hình Nga, Medvedev tuyên bố Obama đã chỉnh hướng đúng đắn phương thức phòng thủ tên lửa của Mỹ. Ông nói rằng đã cùng Obama trong những cuộc gặp trước bày tỏ nhu cầu cần phải hợp tác để đánh giá nguy cơ về sự lan tràn tên lửa.
"Thông điệp do Washington đưa ra hôm nay chứng tỏ có một tiền đề tốt để thực hiện cuộc hợp tác này", Medvedev nói.
Hai quốc gia cũng đang trong quá trình đàm phán để giảm thiểu kho vũ khí hạt nhân. Medvedev cho biết sẽ thảo luận vấn đề này với Obama trong chuyến thăm New York vào tuần tới.
Động thái mới của Mỹ cũng được Thủ tướng Đức Angela Merkel hoan nghênh. "Tôi thấy quyết định ngày hôm nay là một dấu hiệu tốt cho thấy chúng ta đã vượt qua được những trở ngại với Nga và phát triển một mặt trận thống nhất để chống lại mối đe dọa từ Iran", bà nói.
Tuy nhiên, theo BBC, các thành viên đảng Cộng hòa Mỹ đã lên án quyết định của Obama. Nghị sĩ Mitch McConnell tuyên bố đó là một quyết định "thiển cận và gây hạ cho lợi ích an ninh lâu dài của quốc gia". Cựu ứng cử viên tổng thống John McCain cũng gọi quyết định đó là "lệch hướng nghiêm trọng".
Nhưng phát ngôn viên của đảng Dân chủ Nancy Pelosi khẳng định quyết định này là "sáng suốt" và dựa trên sự tổng hợp kỹ lưỡng về các mối đe dọa trước mắt.
Kế hoạch về lá chắn tên lửa ở châu Âu được khẳng định lần đầu tiên vào tháng 8/2008, khi Mỹ ký hợp đồng với Ba Lan để lắp đặt 10 tên lửa đánh chặn ở khu vực gần biển Baltic, và xây một trạm radar trên lãnh thổ Czech.
Hôm qua, Obama tuyên bố Mỹ cần một cách thức linh hoạt hơn để mang tới một hệ thống phòng thủ "mạnh hơn, thông minh hơn và mau lẹ hơn" cho Mỹ và đồng minh ở châu Âu.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates cho biết giai đoạn đầu tiên của chiến lược mới sẽ là triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa sẵn có và đã được thông qua trong vòng hai năm tới, trong đó có các hệ thống đánh chặn trên biển, với các tên lửa Aegis bố trí trên các tàu hải quân và hệ thống tên lửa SM-3.
Các hệ thống phòng thủ tên lửa đã được thông qua sẽ được đặt trước tiên trên tàu chiến, sau đó trên đất liền và sẽ được nâng cấp trong thập kỷ tới. Gates cũng nhấn mạnh sẽ không bỏ qua hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu. Quá trình đàm phán vẫn tiếp tục với Ba Lan và CH Czech về việc triển khai hệ thống đánh chặn SM-3 vào năm 2015.
Diệu Minh