![]() |
Người dân Ba Lan trong một cuộc tuần hành phản đối kế hoạch phòng thủ tên lửa của Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Thủ tướng Czech Jan Fischer chiều nay thông báo rằng Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gọi điện cho ông và nói Mỹ sẽ từ bỏ kế hoạch triển khai lá chắn tên lửa ở Czech và Ba Lan. Fischer cho hay Obama khẳng định rằng Washington không còn quan tâm đến việc đặt 10 tên lửa đánh chặn và trạm radar ở hai nước châu Âu nữa.
Tờ Wall Street Journal trước đó cũng tiết lộ thông tin Mỹ từ bỏ lá chắn. Đây sẽ là việc khiến Matxcơva vui lòng, nhưng lại tăng mối lo ngại ở một số nước châu Âu. Nó thể hiện một chính sách đối ngoại thận trọng hơn của Mỹ; sự thay đổi trong chiến lược quốc phòng; cũng như phản ánh đánh giá khác của chính quyền Obama đối với nguy cơ từ chương trình hạt nhân và tên lửa của Iran.
Các quan chức Ba Lan không cho biết Obama có điện đàm với lãnh đạo của họ hay không. Tuy nhiên Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Andrzej Kremer hôm qua nói với Reuters rằng Warsaw đã nghe từ nhiều nguồn tin rằng rất có khả năng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ sẽ không được triển khai ở Ba Lan.
Các quan chức Nga chưa bình luận gì về diễn biến này. "Chúng tôi đang chờ thông tin khẳng định chính thức", một nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố. "Về nguyên tắc, bước tiến này sẽ giúp thúc đẩy mối quan hệ song phương với Mỹ".
"Chúng tôi đang chờ lời phát biểu chính thức từ ngài Robert Gates (Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ)".
Hệ thống lá chắn tên lửa ở châu Âu do chính quyền của cựu tổng thống George Bush đề xuất, bao gồm việc triển khai 10 tên lửa đánh chặn ở Ba Lan và một trạm radar ở Czech. Ban lãnh đạo Mỹ trước đây từng tuyên bố hệ thống này nhằm bảo vệ châu Âu khỏi nguy cơ đe dọa bị tấn công bằng tên lửa từ những nước như Iran hay Triều Tiên. Kế hoạch này khiến Matxcơva tức giận và phản đối gay gắt. Nga cho rằng các tên lửa ở ngay sát biên giới của mình sẽ là mối đe dọa đến an ninh quốc gia Nga.
Khi mới nhậm chức, Tổng thống Obama từng nói ông muốn tăng cường mối quan hệ với Nga để hai cựu đối thủ trong Chiến tranh Lạnh có thể hợp tác trong nỗ lực chống lại phiến quân Taliban ở Afghanistan và giảm số lượng vũ khí hạt nhân.
![]() |
Một quả tên lửa C-300 vút lên không trong cuộc tập trận theo chuẩn của NATO, diễn ra gần Biển Đen, thuộc địa phận của Bulgaria hôm 4/9. Ảnh: AP. |
Quyết định hủy bỏ kế hoạch lá chắn này được đưa ra 7 tháng sau khi Obama ra lệnh xem xét lại. Giờ đây Washington tin rằng chương trình tên lửa tầm xa của Iran không phát triển nhanh như từng nghĩ, nên sẽ giảm nguy cơ đe dọa Mỹ và đồng minh châu Âu, tờ WSJ trích lời của một quan chức Mỹ giấu tên nhận định.
Phương Tây cũng lo ngại nước Hồi giáo này sẽ phát triển vũ khí hạt nhân, song Tehran cho biết chương trình nghiên cứu của họ chỉ để nhằm tạo ra năng lượng.
Các hãng thông tấn khác tại Mỹ còn cho biết thông báo chính thức về việc hủy bỏ kế hoạch lá chắn tên lửa ở châu Âu sẽ được đưa ra vào ngày mai và Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates đã lên kế hoạch tổ chức cuộc họp báo.
Những mâu thuẫn xung quanh kế hoạch phòng thủ tên lửa đã làm căng thẳng mối quan hệ giữa Mỹ và Nga. Điện Kremlin cũng nói rằng kế hoạch này cần phải bị từ bỏ nếu muốn có thêm thỏa thuận về giảm thiểu kho vũ khí hạt nhân từ thời Chiến tranh Lạnh.
Chính phủ Obama đã kết luận rằng các đồng minh của Mỹ ở châu Âu, trong đó có các thành viên NATO, đối mặt với mối đe dọa trực tiếp từ tên lửa tầm ngắn và tầm trung của Iran nhiều hơn là từ tên lửa đạn đạo. Theo đó, Mỹ sẽ ra lệnh chuyển hướng phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa khu vực ở châu Âu và như vậy sẽ ít gây mâu thuẫn với Nga hơn.
Diệu Minh