"Việc quốc tế hóa những hoạt động quân sự của liên minh ở các vĩ độ cao, trong đó có cả các quốc gia NATO không thuộc Bắc Cực, đang tạo ra không gì khác ngoài những mối lo ngại", đại diện cấp cao của Nga tại Hội đồng Bắc Cực Nikolay Korchunov hôm qua nói. "Chúng làm tăng nguy cơ xảy ra các sự cố không chủ ý. Bên cạnh rủi ro về an ninh, chúng còn có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho hệ sinh thái mong manh ở Bắc Cực".
Ông cho biết NATO gần đây đã tăng cường hoạt động trong khu vực, tổ chức những cuộc tập trận quân sự ngày càng lớn. "Theo quan điểm của chúng tôi, chúng không góp phần đảm bảo an ninh", Korchunov nói, đề cập đến cuộc tập trận Cold Respose kéo dài hai tuần giữa Na Uy và các thành viên NATO hồi tháng ba.
Cuộc tập trận có sự tham gia của 1.500 lính Mỹ cũng như các lực lượng từ 8 quốc gia NATO khác và các "quốc gia đối tác" với tổng số 15.000 quân.
Theo Korchunov, ngoài các hoạt động quân sự, việc NATO mở rộng về phía bắc cũng có thể tạo ra thêm rủi ro cho khu vực Bắc Cực. Cả Thụy Điển và Phần Lan, hai quốc gia đã duy trì chính sách không liên kết trong nhiều thập kỷ, đang xem xét tham gia khối này sau khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra.
Điện Kremlin tuần trước cảnh báo châu Âu sẽ bất ổn nếu NATO tiếp tục mở rộng và kết nạp Thụy Điển và Phần Lan.
"Chúng tôi từng nhiều lần khẳng định NATO là công cụ hướng tới đối đầu và việc mở rộng liên minh này sẽ không mang đến ổn định cho lục địa châu Âu", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết.
Phát biểu được đưa ra sau khi tờ Times của Anh dẫn lời quan chức Mỹ giấu tên cho biết Phần Lan có thể xin gia nhập NATO vào tháng 6, sau đó là Thụy Điển.
Trước khi phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, Tổng thống Vladimir Putin yêu cầu NATO ngừng mở rộng và rút quân khỏi khu vực gần biên giới Nga. Viễn cảnh các nước láng giềng Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO được nhận định sẽ khiến Nga không hài lòng.
Nga ngày 24/2 mở chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm "phi vũ trang hóa và phi phát xít hóa" Ukraine. Sau gần hai tháng, các lực lượng Nga đã rút khỏi miền bắc Ukraine và đang tái tập trung ở phía đông, dẫn tới nguy cơ xảy ra giao tranh lớn ở vùng Donbass. Nếu kiểm soát được Donbass, nơi phe ly khai đã kiểm soát một phần tỉnh Donetsk và Lugansk, Nga sẽ thiết lập được hành lang vững chắc phía nam, nối từ thành phố cảng Mariupol tới bán đảo Crimea.
Vũ Hoàng (Theo RT)