Nga ngày 10/2 tuyên bố cắt giảm 5% sản lượng dầu từ tháng tới. Mức cắt giảm này tương đương 500.000 thùng dầu mỗi ngày, chiếm 0,5% nhu cầu toàn cầu và được xem là biện pháp cụ thể đầu tiên của Nga nhằm đối phó các lệnh trừng phạt, hạn chế từ phương Tây.
Liên minh châu Âu (EU) và nhóm G7 gần đây áp loạt biện pháp trừng phạt với Nga nhằm cắt giảm doanh thu từ dầu mỏ, nguồn tiền quan trọng cho ngân sách của Moskva. Những động thái đó bao gồm lệnh cấm của EU với hầu hết mặt các mặt hàng nhập khẩu dầu thô và mức giá trần 60 USD/thùng được áp với dầu Nga.
Ngày 5/2, EU tiếp tục bổ sung lệnh cấm đối với các sản phẩm dầu tinh chế của Nga, trong khi mức giá trần của G7 với các mặt hàng đó bắt đầu có hiệu lực.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 12 năm ngoái cấm bám dầu và sản phẩm tinh chế của Moskva cho các nước áp giá trần. Ngày 10/2, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết động thái cắt giảm là nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt dầu mỏ của phương Tây.
"Chúng tôi sẽ không bán dầu cho những người trực tiếp hoặc gián tiếp tuân thủ biện pháp áp giá trần", ông nói.
Nga và phương Tây đang đối đầu trong cuộc chiến kinh tế diễn ra song song với xung đột ở Ukraine. Mỹ và các đồng minh đã đáp trả chiến dịch của Nga bằng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế, trong khi Nga cắt giảm hoặc đe dọa cắt nguồn năng lượng cho châu Âu.
Năm ngoái, Nga tạm dừng phần lớn xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang EU để đáp trả lệnh trừng phạt, nhưng các nước châu Âu đã nhanh chóng tìm kiếm nguồn cung thay thế và kêu gọi tiết kiệm năng lượng. Giới quan sát lạc quan rằng lục địa sẽ vượt qua mùa đông mà không rơi vào cảnh thiếu hụt, trong khi giá khí đốt giảm mạnh so với năm ngoái.
Nỗ lực của châu Âu đã làm suy yếu "vũ khí năng lượng" của ông Putin, cũng như lời đe dọa giảm nguồn cung dầu thô. Giá dầu thô quốc tế Brent đã tăng vọt sau thông báo giảm 5% sản lượng của Nga, nhưng sau đó giảm dần và dừng ở mức tăng 2,2%, tương đương 86,39 USD/thùng.
Giới phân tích cho rằng quy mô cắt giảm tương đối nhỏ của Nga không có khả năng khiến giá dầu tăng vọt trong thời gian dài, đặc biệt khi xem xét bức tranh khả ảm đạm của phần lớn nền kinh tế tiêu thụ nhiều dầu mỏ.
"Bức tranh nhu cầu toàn cầu khá ảm đạm. Đó là một thách thức lớn với ông Putin nếu theo đuổi mục tiêu gây sợ hãi cho các lãnh đạo phương Tây bằng giá dầu cao", Robin Brooks, nhà kinh tế trưởng tại Viện Tài chính Quốc tế ở Mỹ, nói.
Một số chuyên gia thị trường dầu mỏ nói động thái cắt giảm này lại cho thấy Nga dường như đã thừa nhận rằng những biện pháp hạn chế của phương Tây đang khiến việc bán dầu trở nên khó khăn hơn. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy mức giá trần của châu Âu đang phát huy hiệu quả và tước đi khách hàng của Nga, hoặc khiến những người vẫn mua dầu Nga chịu mức chi phí cao.
"Đây là sự thừa nhận", Mikhail Krutikhin, nhà tư vấn năng lượng độc lập, nói. "Các công ty không thể tìm thấy khách hàng có thể mua tất cả lượng dầu mà họ sản xuất ra".
Sản lượng dầu thấp có thể giúp Nga tăng quyền định giá đối với một số bên mua. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định trong bối cảnh triển vọng kinh tế không chắc chắn ở một số nơi tiêu thụ dầu lớn như Mỹ và châu Âu, khả năng chi phối thị trường toàn cầu của Nga bị hạn chế đáng kể.
Nếu giá dầu không tăng vọt, bất kỳ quyết định cắt giảm sản lượng nào cũng sẽ khiến Moskva bị giảm doanh thu, giữa lúc đối mặt chi phí ngày càng tăng từ cuộc chiến ở Ukraine và các áp lực kinh tế khác. Ngân hàng Trung ương Nga ngày 10/2 cho biết họ có thể sớm phải tăng lãi suất để chống lại mối đe dọa lạm phát khi chính phủ tiếp tục chi mạnh cho cuộc chiến.
Doanh thu dầu khí của Nga đã giảm một nửa trong tháng 1 so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu Bộ Tài chính Nga công bố ngày 6/2. Trong khi đó, chi tiêu của chính phủ đã tăng 59%, chủ yếu là các giao dịch quân sự, buộc quốc gia này phải sử dụng quỹ dự phòng để bù đắp.
Tuy nhiên, Nga vẫn cho thấy khả năng chống đỡ trong cuộc đối đầu kinh tế với phương Tây. Nền kinh tế Nga năm ngoái không chứng kiến mức sụt giảm nghiêm trọng như các nhà kinh tế cảnh báo. Giới quan sát đang theo dõi xem điều đó có thay đổi trong năm nay, khi chi phí chiến sự gia tăng, nền kinh tế ngày càng bị cô lập và giá năng lượng bị kiềm chế.
Sản lượng dầu Nga cũng không sụt giảm quá nghiêm trọng khi bị châu Âu áp lệnh trừng phạt, chủ yếu là do Moskva đã chuyển hướng xuất khẩu sang châu Á, tới những khách hàng lớn như Trung Quốc và Ấn Độ.
Tháng trước, sản lượng dầu Nga ở mức 10,9 triệu thùng mỗi ngày, thấp hơn một chút so với mức 11 triệu thùng vào tháng 2/2022, theo Viktor Katona, nhà phân tích dầu thô tại công ty Kpler. Ông Katona cho biết sản lượng giảm có thể là dấu hiệu cho thấy Nga đang gặp khó khăn trong việc bán dầu và các sản phẩm tinh chế. Nga cũng phải tính toán về việc giảm sản lượng khai thác khi họ không có nhiều không gian lưu trữ dầu trong nước.
"Ngành dầu khí Nga cần thích ứng với thực tế rằng châu Âu đã không còn nhu cầu lớn với sản phẩm của họ nữa", ông nói.
Thanh Tâm (Theo WSJ)