Một vành đai an ninh đặc biệt được khởi động vào hôm 7/1. Theo đó, chỉ có các phương tiện giao thông của Sochi, ôtô có nhiệm vụ khẩn cấp và tình báo mới được phép tiến vào thành phố. Giao thông hàng không và đường biển cũng bị hạn chế. Tất cả mọi người đi vào vành đai này đều phải trải qua việc nhận diện và kiểm tra an ninh.
Các máy bay giám sát và xe bọc thép tuần tra thành phố cũng được triển khai từ ngày khai mạc 6/2 đến hết ngày 23/2. Ngoài Sochi, các sân bay quốc tế của Moscow cũng ban hành lệnh cấm mang các loại chất lỏng trong hành lý xách tay trong thời gian diễn ra Olympics và Paralympic.
Theo CNN, Nga đang dồn mọi nguồn lực để đảm bảo Thế vận hội mùa đông Sochi diễn ra an toàn và không xảy ra sự cố nào. Đây là ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Vladimir Putin.
Trong hai ngày 29 và 30/12/2013, hai vụ đánh bom liều chết diễn ra tại thành phố Volgograd lân cận, khiến 34 người thiệt mạng. Mặc dù chưa một cá nhân hay tổ chức nào nhận trách nhiệm cho hai vụ đánh bom trên, các nhóm ly khai Chechnya được cho là nghi phạm số một. Hồi tháng 7, trùm khủng bố Doku Umarov từng đăng tải lời kích động các phần tử cực đoan tấn công nhằm làm hỏng đại hội thể thao mà Nga là nước chủ nhà.
Trước việc nỗ lực đảm bảo an ninh của Moscow, nhà báo Andrei Soldatov với nhiều năm nghiên cứu về ngành tình báo Nga, nhận định các biện pháp hiện thời có thể ngăn chặn âm mưu tấn công khủng bố quy mô lớn, nhưng khó tránh khỏi các cuộc đánh bom liều chết nhỏ lẻ.
"Họ vẫn đang lấy cảm hứng từ Thế vận hội Moscow năm 1980. Họ muốn kiểm soát mọi thứ và mọi người. Nhưng tôi cho điều đó là chưa đủ để chống khủng bố", Soldatov nói.
Trong khi đó, đại tá công an về hưu Sergei Advienko lại đặt nhiều niềm tin hơn vào các hậu bối trong ngành an ninh. "Khi chiến thuật của những kẻ khủng bố thay đổi, lực lượng chống khủng bố cũng phải thay đổi theo. Và điều quan trọng hàng đầu là công tác tình báo", Advienko cho biết. "Việc xâm nhập vào các tổ chức là không dễ dàng, nhưng vẫn khả thi và vẫn đang được thực hiện hàng ngày".
Theo nhiều chuyên gia an ninh, do được đặt trong tình trạng bảo vệ an ninh cao, các công trình phục vụ cho Olympics có ít khả năng bị tấn công, nhưng các địa điểm khác ít liên quan hơn tại Sochi mới là mối lo ngại lớn.
"Công viên Olympics và cơ sở hạ tầng liên quan, như tuyến đường sắt nối các điểm du lịch bên bờ Biển Đen là mục tiêu hàng đầu, nhưng do được đặt trong tình trạng bảo vệ cao, nên rất khó cho các phần tử khủng bố tấn công thành công", Matthew Clements, chuyên gia về Nga thuộc tạp chí IHS Jane's Intelligence Review, bình luận. "Trạm xe lửa, khách sạn và quảng trường lớn có thể là mục tiêu. Và một vụ tấn công như vậy sẽ làm gián đoạn Thế vận hội".
Theo Clements, các công trình ngoài Sochi, không có liên hệ trực tiếp với Olympics có nguy cơ tấn công cao nhất. Các vụ tấn công này không làm gián đoạn các cuộc thi đấu, nhưng sẽ gây ra hiệu ứng tâm lý lớn. Hai vụ tấn công tại Volgograd là một ví dụ điển hình.
Mặc dù hai vụ khủng bố trên dấy lên quan ngại về công tác an ninh tại Sochi, giới chức Nga vẫn quyết không có ý định thay đổi kế hoạch an ninh được vạch ra trước đó. 25.000 cảnh sát và 8.000 nhân viên thuộc các cơ quan an ninh khác như Bộ Nội vụ được điều động trong chiến dịch lần này. Clements cho biết số lượng nhân viên an ninh mà Moscow chuẩn bị gấp đôi Thế vận hội mùa hè 2012 diễn ra tại London, Anh.
"Sochi có lẽ là khu vực được bảo vệ tốt nhất tại Nga và sẽ rất khó khăn cho các phần tử vũ trang xâm nhập", ông Dmitri Trenin, giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow, tổ chức chuyên nghiên cứu chính trị Nga, cho biết. Tuy nhiên, ông này vẫn khẳng định "nước Nga phải đối mặt với mối đe dọa tấn công khủng bố thường trực từ năm 1990".
Ông Trenin cho hay vụ tấn công kép tại Volgograd khiến một số du khách mất niềm tin vào nước Nga, đặc biệt khi vụ đánh bom thứ hai diễn ra sau khi công tác an ninh đã được thắt chặt. Tuy nhiên, chưa có thông kê rõ ràng về tác động của hai vụ khủng bố trên đến số lượng du khách tới xem Olympics Sochi.
Đức Dương (Theo CNN)