Thứ sáu, 15/11/2024
Thứ hai, 24/6/2019, 14:00 (GMT+7)

Nga khoe tên lửa, robot tại triển lãm quân sự Army-2019

Quân đội Nga giới thiệu những tổ hợp phòng không, thiết giáp và phương tiện chiến đấu không người lái mới nhất ở triển lãm quân sự lớn nhất nước này.

Bộ Quốc phòng Nga ngày mai khai mạc triển lãm kỹ thuật quân sự Army-2019, nơi trưng bày những khí tài hiện đại nhất trong biên chế quân đội Nga cũng như các vũ khí đang được nước này phát triển. Triển lãm được tổ chức từ ngày 25/6 đến 30/6 tại Trung tâm Triển lãm Patriot ở ngoại ô thủ đô Moskva.

Một ngày trước khi sự kiện diễn ra, các khí tài hiện đại trong biên chế quân đội Nga đã được đưa tới vị trí trưng bày.

Siêu tăng T-14 Armata được đặt trên bệ trưng bày. T-14 Armata được phát triển từ năm 2011, ra mắt trong lễ Duyệt binh Chiến thắng tại Moskva ngày 9/5/2015. Dòng siêu tăng này nổi bật nhờ tháp pháo không người lái, được điều khiển từ xa.

Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexei Krivoruchko cho biết quân đội Nga đã đặt mua 132 xe tăng chủ lực T-14 và xe chiến đấu bộ binh T-15 Armata để biên chế cho lục quân. Đơn hàng này dự kiến được hoàn tất trước năm 2021.

Xe chiến đấu bộ binh Kurganets-25 (trái) và xe thiết giáp chở bộ binh Bumerang, hai loại khí tài ra mắt cùng thời điểm với dòng T-14 Armata.

Xe chiến đấu bộ binh hạng nặng T-15 Armata (phải) và tổ hợp phòng không Derivatsiya đặt trên khung gầm xe chiến đấu BMP-3. Cả hai mẫu thiết giáp đều trang bị module chiến đấu điều khiển từ xa với vũ khí chính là pháo tự động 57 mm.

Quân đội Nga đang có kế hoạch phát triển các hệ thống pháo 57 mm gắn trên thiết giáp, sử dụng nhiều loại đạn mới có khả năng tự tính toán thời điểm nổ và điều chỉnh quỹ đạo bay. Đây là giải pháp nhằm giải quyết tình trạng pháo 30 mm không đủ mạnh để xuyên phá một số mẫu thiết giáp hiện đại, trong khi pháo 100 mm có uy lực mạnh nhưng tốc độ bắn và độ chính xác thấp.

Xe phóng đạn thuộc tổ hợp phòng không tầm trung S-350 Vityaz (trước) và hệ thống pháo - tên lửa phòng không Pantsir-SM.

Hệ thống S-350 được tập đoàn Almaz-Antey phát triển từ năm 2009 trên cơ sở chương trình hợp tác phát triển tên lửa phòng không KM-SAM (Cheolmae-2) giữa Nga và Hàn Quốc. Giới chuyên gia đánh giá việc đưa S-350 vào biên chế sẽ bổ sung năng lực đáng kể cho lưới phòng không của Nga, vốn đang loại biên nhiều tổ hợp S-300PS và Buk-M1-2 lạc hậu có tuổi thọ 20-30 năm.

Máy bay chiến đấu không người lái (UCAV) Korsar chuyên làm nhiệm vụ trinh sát, vận tải, tác chiến điện tử và tấn công chính xác bằng tên lửa chống tăng Ataka.

Trái với dự đoán trước đó, quân đội Nga không trưng bày nguyên mẫu UCAV Okhotnik hoàn chỉnh mà chỉ bố trí một mô hình cỡ nhỏ, đặt phía sau chiếc Korsar.

Robot chiến đấu tự động Uran-9 được trang bị pháo chính 2A72 cỡ nòng 30 mm, một súng máy cỡ 7,62 mm và 4 tên lửa chống tăng 9M120 Ataka.

Loại vũ khí này từng được Nga triển khai tới Syria để thử nghiệm trong điều kiện tác chiến thực tế và đang được hoàn thiện để khắc phục những nhược điểm bộc lộ trong quá trình vận hành thực tế.

Xe phóng đạn kiêm radar dẫn bắn (TELAR) thuộc tổ hợp phòng không tầm trung Buk-M3, còn có biệt danh là "Viking". Xe được trang bị radar mảng pha, hệ thống dẫn bắn quang học và 6 ống phóng tên lửa với tầm bắn tối đa 70 km.

Đây là phiên bản cải tiến đáng kể so với dòng Buk-M2 được Nga biên chế năm 2008, vốn chỉ có thể diệt mục tiêu từ khoảng cách 50 km và trang bị 4 quả đạn nằm lộ bên ngoài, không có ống bảo quản như Buk-M3.

Xe phóng đạn cùng ống bảo quản kiêm bệ phóng thuộc tổ hợp phòng không tầm xa S-300VM "Antey-2500". S-300VM được Nga sản xuất và biên chế từ năm 2013, hiện mới chỉ xuất khẩu sang Ai Cập và Venezuela.

Mỗi tổ hợp S-300VM gồm 8-12 xe bệ phóng được trang bị radar dẫn bắn riêng, cùng radar điều khiển hỏa lực trung tâm 9S32ME với khả năng bám bắt 24 mục tiêu cùng lúc. Tên lửa của hệ thống này có thể đánh chặn mục tiêu từ khoảng cách 200 km và độ cao tối đa 30 km.

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-90MS.

T-90MS là phiên bản nâng cấp sâu của dòng T-90S dành cho xuất khẩu, được trang bị pháo nòng trơn 2A46M-5 với khả năng phóng tên lửa dẫn đường và bệ vũ khí điều khiển từ xa trên nóc tháp pháo. Xe được lắp hệ thống định vị vệ tinh GLONASS cùng nhiều cảm biến hiện đại.

Hệ thống tác chiến điện tử Krasukha-2, có khả năng gây nhiễu máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy của đối phương từ khoảng cách tới 250 km.

Krasukha-2 đủ sức vô hiệu hóa nhiều loại radar trang bị cho tên lửa dẫn đường, tạo mục tiêu giả để bảo đảm an toàn cho khí tài mặt đất khỏi các đợt không kích quy mô lớn. Đây là lá chắn không thể thiếu trong đội hình tác chiến của những tổ hợp vũ khí quan trọng như tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander.

Các hệ thống radar cảnh giới mới được Nga phát triển, chuyên đối phó với máy bay tàng hình và tên lửa hành trình có diện tích phản xạ radar nhỏ.

Ảnh: Said Aminov