Bộ Quốc phòng Nga tuần trước công bố hình ảnh sự kiện tổng kết hoạt động tại căn cứ không quân Engels, nơi đóng quân của các oanh tạc cơ chiến lược mạnh nhất biên chế nước này.
"Ảnh chụp chính diện máy bay cùng dàn vũ khí hùng hậu rất thường gặp trong hàng không quân sự, nhằm phô diễn sức mạnh cũng như chào hàng cho các đối tác tiềm năng. Tuy nhiên, rất hiếm khi Nga công bố hình ảnh kiểu này với lực lượng oanh tạc cơ chiến lược, nhất là khi xuất hiện tên lửa hành trình tàng hình hiện đại nhất của Moskva", bình luận viên Thomas Newdick của Drive nhận xét.
Mở đầu là oanh tạc cơ siêu âm Tu-160 cùng hai hàng tên lửa hành trình cận âm. Mỗi phi cơ được trang bị hai giá phóng tên lửa dạng ổ xoay, mang được tối đa 12 quả đạn các loại.
Gần máy bay nhất là 12 tên lửa hành trình cận âm Kh-55SM, được Liên Xô phát triển từ thập niên 1970 và biên chế trong thập niên 1980, cũng là nền tảng để Trung Quốc, Iran phát triển nhiều mẫu tên lửa hành trình phóng từ mặt đất và máy bay.
Kh-55 có khả năng bay bám địa hình ở độ cao cực nhỏ và cơ động liên tục để tránh bị phát hiện cũng như bắn hạ. Các cánh lái của tên lửa được gập vào thân để tiết kiệm không gian, cho phép chúng nằm gọn trong khoang vũ khí của Tu-160. Tên lửa có khả năng đánh trúng mục tiêu từ khoảng cách 2.500 km, mang được thêm hai thùng dầu phụ dọc thân để tăng tầm bắn lên gần 3.000 km.
Các quả đạn xuất hiện trong hình dường như là phiên bản Kh-55SM mang đầu đạn hạt nhân với sức mạnh tương đương 200.000 tấn thuốc nổ TNT, do chúng không có cánh ổn định phía trước như biến thể mang đầu đạn thông thường. Một số tên lửa Kh-55SM đã được Nga hoán cải thành phiên bản Kh-555 phi hạt nhân, trang bị nhiều công nghệ giúp tăng khả năng xuyên phá lưới phòng không và độ chính xác cao gấp 5 lần mẫu nguyên bản.
Hàng phía trước là các tên lửa hành trình tàng hình Kh-101/102, bản nâng cấp sâu từ dòng Kh-55 và đóng vai trò là "át chủ bài" của không quân chiến lược Nga hiện nay.
Kh-101/102 được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính kết hợp với đầu dò quang - điện tử, cũng như cập nhật vị trí và đường bay qua vệ tinh. Kíp lái oanh tạc cơ có thể thay đổi mục tiêu và đường bay quả đạn sau khi phóng. Tên lửa đạt tầm bắn tới 5.000 km, có khả năng đánh trúng mục tiêu trong vòng tròn 5 m.
Tên lửa được trang bị một động cơ turbine phản lực, cho phép chúng bay hành trình với vận tốc 700 km/h, sau đó lao tới mục tiêu với tốc độ tối đa 970 km/h. Diện tích phản xạ radar chỉ 0,01 m2 cùng độ cao hành trình chỉ 30-70 m khiến Kh-101/102 rất khó bị phát hiện bởi những hệ thống cảnh giới mặt đất.
Mỗi quả Kh-101 được trang bị đầu đạn nặng 400 kg, bao gồm các loại nổ mạnh (HE), xuyên phá hoặc nổ chùm, trong khi Kh-102 sử dụng đầu đạn hạt nhân có sức công phá tương đương 250.000 tấn thuốc nổ TNT.
Tương tự dòng Tu-160, oanh tạc cơ chiến lược Tu-95MS cũng xuất hiện với dàn tên lửa hành trình Kh-55SM và Kh-101/102.
Nhiệm vụ ban đầu của Tu-95 là thả bom hạt nhân không điều khiển. Nó liên tục được không quân Liên Xô và Nga sử dụng trong gần 65 năm, bất chấp nhiều oanh tạc cơ mới hơn được thiết kế, biên chế và loại biên hoàn toàn. Một phần lý do nằm ở khả năng nâng cấp, chỉnh sửa liên tục để đáp ứng mọi nhiệm vụ do không quân đặt ra.
Tu-95MS/MSM là biến thể mới nhất, được phát triển để trở thành bệ phóng tên lửa hành trình tầm xa. Mỗi chiếc được trang bị một giá phóng ổ xoay với 6 quả đạn, cùng 4 giá treo dưới cánh cho phép mang theo 8 tên lửa Kh-55SM hoặc Kh-101/102, nhiều hơn hai quả so với Tu-160.
Oanh tạc cơ siêu âm Tu-22M3 được trưng bày cùng dàn bom không điều khiển có khối lượng 500-3.000 kg. Đây đều là những mẫu bom được phát triển từ thời Liên Xô, không được trang bị hệ thống dẫn đường và có độ chính xác thấp khi thả từ độ cao lớn.
Không quân Nga không giới thiệu tên lửa siêu thanh Kh-22, loại vũ khí có nhiệm vụ hủy diệt nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ dựa vào tốc độ lớn, mang được đầu nổ thông thường nặng 1.000 kg hoặc đầu đạn hạt nhân mạnh tương đương 1 triệu tấn thuốc nổ TNT.
Dòng Kh-22 là vũ khí chính của oanh tạc cơ Tu-22M3 với tầm bắn tới 600 km, nhưng có nhiều nhược điểm, nhất là khả năng kháng nhiễu kém. Nga đang dần loại bỏ Kh-22 và chuyển sang biên chế mẫu Kh-32 hiện đại hóa được trang bị radar và hệ thống dẫn đường quán tính mới, tăng cường khả năng kháng nhiễu, mang được nhiều nhiên liệu và sử dụng động cơ mạnh hơn, cho phép tăng tầm bắn đến gần 900 km.
Phi đội Tu-22M3 chưa từng triển khai tên lửa Kh-22 hay Kh-32 trong chiến đấu, nhưng đã nhiều lần tham gia không kích bằng bom thông thường. Trong chiến dịch quân sự tại Syria, mỗi chiếc Tu-22M3 thường thả 10-12 quả bom loại 250 kg hoặc 6 quả loại 500 kg. Một máy bay Tu-22M3 cũng từng ném bom FAB-3000 nặng hơn 3 tấn trong chiến dịch này.
Vũ Anh (Theo Drive)