"Quyền quyết định mời ai thuộc về bên tổ chức, như thông lệ vốn có, nhưng quan trọng là quá trình này nên được tham vấn với tất cả các nước BRICS. Rõ ràng, lãnh đạo những quốc gia đang theo đuổi chính sách thù địch với chúng tôi không phù hợp để làm khách mời của BRICS", Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói hôm nay.
Theo ông Ryabkov, Nga đã trao đổi lập trường của mình với lãnh đạo Nam Phi và kỳ vọng Pretoria sẽ xem xét vấn đề.
Ông Ryabkov bình luận sau khi Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna ngày 20/6 cho biết Tổng thống Emmanuel Macron muốn dự hội nghị thượng đỉnh của BRICS, dự kiến diễn ra tại Nam Phi, với tư cách quan sát viên. Bà Colonna đã thông báo cho người đồng cấp Nam Phi Naledi Pandor.
Bà Pandor trước đó cho biết quyết định về khách mời do Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đưa ra.
BRICS là khối các nền kinh tế mới nổi gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Nam Phi đang là quốc gia chủ tịch, dự kiến tổ chức hội nghị thượng đỉnh của khối vào tháng 8 ở Johannesburg. BRICS thường không mời lãnh đạo bên ngoài tham dự các cuộc họp.
Nam Phi đang trong thế tiến thoái lưỡng nan từ khi Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) phát lệnh bắt Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 3. ICC yêu cầu 123 nước thành viên, trong đó có Nam Phi, bắt Tổng thống Putin và chuyển đến Hà Lan để xét xử nếu ông đặt chân đến lãnh thổ của họ.
Nam Phi tháng 1 đã gửi lời mời Tổng thống Putin đến dự hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg ngày 22-24/8 với tư cách là nguyên thủ quốc gia thành viên trong khối. Khi được hỏi liệu Tổng thống Putin có dự thượng đỉnh BRICS hay không, Điện Kremlin ngày 30/5 nói Nga sẽ tham gia ở "cấp độ phù hợp".
Người phát ngôn Điện Kremlin ngày 21/6 nói Tổng thống Putin đã thảo luận về khả năng ông đến Nam Phi với người đồng cấp Ramaphosa. Hai bên cũng đã trao đổi về quá trình chuẩn bị cho sự kiện.
Fikile Mbalula, tổng thư ký đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) cầm quyền của Nam Phi, cùng ngày nói chính phủ nước này kỳ vọng ông Putin sẽ đến hội nghị BRICS và đang làm mọi việc có thể để giải quyết các vấn đề liên quan.
Nam Phi đã từ chối lên án cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Quốc gia này nói họ muốn giữ thái độ trung lập và ủng hộ đối thoại chấm dứt xung đột. Ông Ramaphosa đã dẫn đầu phái đoàn các lãnh đạo châu Phi đến Ukraine và Nga cuối tuần trước để thúc đẩy hòa bình.
Như Tâm (Theo RIA Novosti, TASS)