Một thiết kế mô phỏng dự án PAK-DA
Viện nghiên cứu Hệ thống hàng không Nga (GosNIIAS) cho biết thiết kế sơ bộ của oanh tạc cơ tàng hình thế hệ mới, còn được gọi là Tổ hợp hàng không tương lai cho Không quân tầm xa (PAK DA), đã vượt qua vòng đánh giá của Bộ Quốc phòng, Sputnik ngày 24/2 đưa tin.
"Phía quân đội đòi hỏi rất nhiều thứ, như một máy bay ném bom chiến lược, phi cơ mang tên lửa chiến thuật, thậm chí là máy bay đánh chặn có khả năng phóng tên lửa vũ trụ", ông Evgeniy Fedorov, giám đốc khoa học của GosNIIAS cho biết.
Dự án PAK-DA được khởi động vào năm 2009, do tập đoàn Tupolev chịu trách nhiệm thiết kế. Mẫu máy bay này được phát triển với mục đích thay thế 3 loại oanh tạc cơ chiến lược của Nga hiện nay là Tu-22M3, Tu-95 và Tu-160.
Chi phí đầu tư cũng được cân nhắc rất nhiều trong quá trình phát triển PAK DA. Dòng Tu-160 hiện nay có tính năng rất hiện đại, nhưng quá trình sản xuất lại vô cùng tốn kém. Dự án PAK-DA được kỳ vọng sẽ ít tốn kém hơn và có thể sản xuất hàng loạt một cách dễ dàng.
PAK-DA có nhiều thay đổi đáng kể so với phiên bản Tu-160, nổi bật là thiết kế cánh bay (flying wing) và tốc độ cận âm. Việc máy bay không thể hành trình ở tốc độ siêu âm như Tu-160 sẽ được bù đắp bởi công nghệ tàng hình tiên tiến. PAK-DA có thể được trang bị tên lửa đối đất và đối không, cũng như bom thông minh.
Máy bay có tầm bay khoảng 12.500 km mà không cần tiếp nhiên liệu, đồng thời mang được tối đa 30 tấn vũ khí. Theo tư lệnh không quân Nga Viktor Bondarev, PAK-DA sẽ sở hữu khả năng tàng hình đáng kinh ngạc, cùng hệ thống tên lửa dẫn đường sử dụng trí thông minh nhân tạo.
Oanh tạc cơ này dự kiến bay thử lần đầu tiên trước năm 2021 và bàn giao lô đầu cho không quân Nga vào năm 2023.
Hạ Vy