Quốc vụ khanh phụ trách Quốc phòng Ấn Độ Subhash Bhamre cuối tuần trước cho biết Nga và Ấn Độ quyết định tham gia quá trình hợp tác phát triển công nghệ mới, sau khi New Dehli tham gia Hiệp ước kiểm soát công nghệ tên lửa (MTCR) hồi giữa năm nay.
Trước đó, điều khoản của MTCR cấm Moscow chuyển giao các hệ thống và công nghệ tên lửa có tầm bắn trên 300 km cho phía Ấn Độ. Điều này khiến New Dehli không thể nâng tầm bắn của tên lửa BrahMos qua mức 292 km hiện tại, Sputnik ngày 20/12 đưa tin.
Thỏa thuận mới ký giữa hai nước giúp phát triển phiên bản BrahMos với tầm bắn tới 600 km. Economic Times dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga và Ấn Độ "đã đồng ý cải tiến tên lửa BrahMos, cho phép nó được phóng từ mặt đất, máy bay và tàu chiến. Việc tăng tầm bắn cũng sẽ được nghiên cứu. Hai nước sẽ cùng hợp tác để phát triển máy bay thế hệ thứ 5".
Nhà phân tích Rahul Bhonsle cho rằng với tầm bắn 300 km, hệ thống BrahMos buộc phải triển khai ở gần khu vực mục tiêu. Khi được tăng tầm bắn, khu vực bố trí tổ hợp chiến đấu sẽ linh hoạt hơn, dễ gây bất ngờ cho đối phương.
PJ-10 BrahMos là tên lửa chống hạm siêu thanh được Ấn Độ phát triển trên nền tảng P-800 Oniks (NATO định danh: SS-N-26 Strobile) của Nga. New Dehli đã sử dụng mẫu tên lửa này gần 10 năm nay, quá trình thử nghiệm phiên bản cho tiêm kích Su-30MKI đang được tiến hành.
Khoảng 65% chi tiết của BrahMos được cung cấp bởi Nga, bao gồm cả đầu dò radar và động cơ phản lực dòng thẳng (ramjet). Hai nước từng xảy ra bất đồng về bản quyền công nghệ, trong đó cho phép Ấn Độ xuất khẩu tên lửa BrahMos mà không cần sự chấp thuận của Nga. Với thỏa thuận mới này, New Dehli và Moscow nhiều khả năng đã giải quyết được ổn thỏa vấn đề.
Tên lửa BrahMos trong quá trình thử nghiệm
Tử Quỳnh