Engie hôm nay cho biết tập đoàn năng lượng Nga Gazprom đã thông báo với họ rằng sẽ giảm nguồn cung khí đốt tự nhiên kể từ ngày 30/8. "Engie đã tích trữ lượng khí đốt cần thiết để đảm bảo nguồn cung cho khách hàng và nhu cầu của chính chúng tôi", thông báo cho hay.
Theo Engie, nguồn cung khí đốt từ Nga tới Pháp đã giảm mạnh từ sau khi Moskva mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2. Khí đốt Nga chiếm 4% tổng nguồn cung năng lượng cho tập đoàn Pháp vào cuối tháng 7.
Gazprom sau đó giải thích họ ngừng cung cấp khí đốt cho Engie vì hãng này chưa thanh toán đầy đủ các chuyến hàng được thực hiện vào tháng 7. "Gazprom Export đã thông báo cho Engie về tạm ngừng cung cấp khí đốt từ ngày 1/9, cho đến khi nhận được các khoản thanh toán", tập đoàn Nga cho biết.
Chính phủ Pháp gần đây cảnh báo về những khó khăn có thể xảy ra trong mùa đông do thiếu hụt năng lượng và lạm phát phi mã. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ tổ chức cuộc họp nội các đặc biệt ngày 2/9 để "chuẩn bị cho tất cả tình huống xảy ra vào mùa thu và mùa đông".
"Rõ ràng Nga đang sử dụng khí đốt như một loại vũ khí và chúng ta phải sẵn sàng cho tình huống xấu nhất là nguồn cung bị gián đoạn hoàn toàn", Bộ trưởng Chuyển đổi Năng lượng Pháp Agnes Pannier-Runacher hôm nay nói.
Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne hôm 29/8 hối thúc các chủ doanh nghiệp giảm tiêu thụ năng lượng và cảnh báo về nguy cơ phân bổ theo định mức. Claire Waysand, phó giám đốc điều hành Engie, nói rằng thời tiết sẽ đóng vai trò quan trọng trong mùa đông năm nay.
"Để đảm bảo chúng ta vượt qua được mùa đông với đủ điện và khí đốt, chúng tôi mong rằng thời tiết sẽ không quá lạnh", bà nói.
Pháp đã lấp đầy 90% các cơ sở lưu trữ khí đốt và đàm phán về nguồn cung thêm từ Na Uy. Pháp dựa vào các lò phản ứng hạt nhân để sản xuất phần lớn điện năng, nhưng khí đốt chiếm khoảng 20% tổng năng lượng tiêu thụ, chủ yếu để sưởi ấm và nấu ăn, cũng như phục vụ sản xuất công nghiệp.
Nhiều nước châu Âu đang phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng về nguồn cung khí đốt. Bulgaria, Đan Mạch, Phần Lan, Hà Lan, Ba Lan và các nước Baltic đã bị Nga cắt khí đốt, trong khi những quốc gia châu Âu khác bị giảm mạnh nguồn cung. Khí đốt từ Nga sang Đức qua đường ống Nord Stream 1 sẽ bị dừng vài ngày vào cuối tháng 8, lần thứ hai trong mùa hè năm nay.
Chính phủ các nước châu Âu không mong muốn kịch bản hệ thống sưởi ấm và nhà máy phải ngừng hoạt động do thiếu khí đốt. Nguồn cung giảm đẩy giá khí đốt và điện tăng vọt, do nhiều nhà máy nhiệt điện ở châu Âu vẫn sử dụng nguồn nhiên liệu này.
EU đã kêu gọi chia sẻ và tiết kiệm năng lượng giữa các thành viên trước một mùa đông khó khăn. Khối này tháng trước thông qua đề xuất các thành viên tự nguyện cắt giảm 15% nhu cầu sử dụng khí đốt từ tháng 8 đến tháng 3/2023.
Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cuối tuần qua nêu các điều kiện để đảm bảo nguồn cung khí đốt cho EU, trong đó có bàn giao tuabin đã sửa chữa và cấp phép hoạt động cho đường ống Nord Stream 2. Theo ông, việc Nga có đảm bảo nguồn cung hay không "phụ thuộc lập trường của châu Âu và phương Tây".
Huyền Lê (Theo AFP)