Hai video được quay từ hồi tháng 3, song mới được tài khoản YouTube shota sabauri công bố ngày 10/12, cho thấy các kỹ sư tại nhà máy sản xuất máy bay Komsomolsk-on-Amur dùng công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) để lắp ráp tiêm kích Su-57.
Công nghệ AR cho phép người dùng tương tác cùng lúc với thế giới ảo và thật, với thông tin do máy tính tạo ra được "phủ lên" các vật thể ngoài đời. Kỹ thuật viên tại nhà máy sản xuất Su-57 cầm bảng in mã QR đặt lên các vị trí khác nhau trên thân chiếc Su-57 đang được lắp ráp.
Máy tính sau đó sẽ phủ lên những vị trí này hình ảnh kỹ thuật số của các cụm linh kiện để giúp kỹ thuật viên biết vị trí của chúng. Menu "cảm ứng" do AR tạo ra bao gồm nhiều tùy chọn nhằm hướng dẫn kỹ thuật viên các công đoạn khác nhau của quá trình lắp ráp, cung cấp khuyến cáo an toàn và những thông tin khác.
Video cũng cho thấy kỹ thuật viên đeo kính thực tế ảo loại che kín mắt, thay vì loại nhẹ với thiết kế giống kính mắt thông thường. Tuy nhiên, các kỹ thuật viên đã quen với việc phải đeo kính bảo hộ trong dây chuyền lắp ráp, nên kính thực tế ảo cỡ lớn được đánh giá không gây bất tiện quá lớn.
Một số đoạn video cho thấy vị trí các bộ phận ảo trên thân Su-57 không chính xác, có thể do sai lệch khi quay video màn hình hoặc đây là quá trình "sửa lỗi dây chuyền lắp ráp Su-57", biên tập viên Thomas Newdick của Drive nhận định.
Các kỹ sư Mỹ cũng sử dụng hệ thống hỗ trợ gần giống đồng nghiệp Nga khi lắp tiêm kích F-35. Một máy chiếu "phủ" thông tin lên các bộ phận của F-35 trên dây chuyền, giúp kỹ thuật viên biết chính xác nơi bắt vít và lắp các phụ kiện khác. Hệ thống máy chiếu của Mỹ và AR của Nga được đánh giá giúp đảm bảo các tiêm kích tàng hình được hoàn thiện theo tiêu chuẩn cao nhất để đảm bảo đặc tính kỹ chiến thuật của chúng.
Su-57 là tiêm kích thế hệ 5 đầu tiên của Nga, được thiết kế để cạnh tranh với F-35 và F-22 Mỹ cùng J-20 Trung Quốc. Su-57 được phủ vật liệu hấp thụ sóng radar và có thiết kế tối ưu cho khả năng tàng hình trước thiết bị trinh sát điện tử của đối phương.
Nga từng hai lần triển khai Su-57 tới Syria vào cuối năm 2018 và tháng 12/2019 để thử nghiệm tác chiến thực tế. Dòng tiêm kích này được giới phân tích quân sự đánh giá cao về khả năng cơ động so với các đối thủ, nhưng khó thể hiện hết năng lực tàng hình khi vẫn đang dùng động cơ phát triển từ biến thể cho chiến đấu cơ đa năng Su-35S.
Giám đốc đốc điều hành tập đoàn quốc phòng Nga Rostec Sergei Chemezov ngày 7/12 cho biết sẽ bàn giao tiêm kích Su-57 đầu tiên trong lô 76 chiếc sản xuất loạt cho quân đội Nga trước năm 2021.
Nguyễn Tiến (Theo Drive)