Trong hơn hai năm xung đột, Nga nhiều lần tiến hành các cuộc tập kích tên lửa vào hạ tầng Ukraine. Quân đội nước này ứng phó bằng cách thiết lập mạng lưới phòng không ở các vị trí chiến lược để giảm hiệu quả đòn đánh của đối phương.
Quân đội Nga sau đó thay đổi chiến thuật, triển khai đòn không kích theo đợt, kết hợp giữa tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo, tên lửa siêu vượt âm và máy bay không người lái (UAV), còn gọi là đạn tuần kích, để khiến phòng không đối phương nhầm lẫn và quá tải.
Chiến thuật này được chứng minh hiệu quả khi số lượng quả đạn đáng kể chọc thủng lưới phòng không Ukraine. Trong trận tập kích ngày 7/2, Ukraine chỉ chặn được 2/3 số tên lửa Nga phóng và 15 quả đạn đánh trúng mục tiêu.
Nhưng trong những lần tấn công gần đây, lực lượng Nga một lần nữa thay đổi cách đánh và thành phần vũ khí, không sử dụng nhiều đạn tuần kích và tên lửa hành trình phóng từ biển, thay vào đó tăng cường khai hỏa tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình phóng từ trên không.
Việc sử dụng các loại vũ khí khác nhau trong từng đợt tập kích giúp Nga tận dụng kho tên lửa đa dạng và triển khai phương án tấn công linh hoạt. Nga sở hữu nhiều loại tên lửa hành trình phóng từ máy bay và chiến hạm, cùng tên lửa đạn đạo thông thường phóng từ mặt đất.
Tên lửa hành trình có khả năng cơ động cao, giúp chúng né hệ thống phòng không của đối phương, song tốc độ bay chậm hơn đáng kể so với tên lửa đạn đạo, loại vũ khí đánh đổi tính cơ động lấy tốc độ.
Khoảng 4 năm trước, Nga biên chế vũ khí siêu vượt âm, chúng có cả tính cơ động của tên lửa hành trình và tốc độ của tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, vũ khí siêu vượt âm có nhược điểm là đắt tiền và số lượng hạn chế.
Do vậy, tên lửa đạn đạo, đặc biệt là mẫu Iskander, đang xuất hiện ngày càng nhiều trong các đợt không kích của Nga vào hạ tầng năng lượng Ukraine. Các tên lửa này được phóng từ bán đảo Crimea, làm giảm đáng kể thời gian phản ứng của phòng không Ukraine, tăng hiệu quả của đòn tấn công.
Việc Nga cắt giảm sử dụng đạn tuần kích để tấn công cũng do Ukraine đã cải tiến công nghệ chống UAV, giúp họ nâng cao tỷ lệ phát hiện và vô hiệu hóa loại vũ khí này. Ukraine gần đây có thể hạ 75-100% UAV Geran mà Nga phóng, trong khi tỷ lệ bắn hạ tên lửa đạn đạo tầm ngắn của đối phương thấp hơn nhiều.
Trong thời gian không sử dụng UAV tập kích Ukraine, Nga có thể cải tiến mẫu vũ khí này để chúng đối phó tốt hơn hệ thống chống UAV của Ukraine. Điều này sẽ cho phép Nga sử dụng chúng vào cuối mùa hè trong cuộc phản công dự kiến của họ.
Nga thay đổi thành phần vũ khí tập kích cũng liên quan đến tình trạng Ukraine thiếu đạn dược nghiêm trọng. Tình trạng thiếu đạn phòng không của Ukraine là điều kiện để không quân Nga tăng tần suất hoạt động, trong đó có phóng tên lửa hành trình.
Nga dự kiến tiếp tục dùng nhiều tên lửa đạn đạo hơn đạn tuần kích trong các đợt tấn công sắp tới. Thành phần vũ khí có thể thay đổi vào cuối mùa hè, khi Nga có thể mở chiến dịch tấn công quy mô lớn.
Cũng vào thời điểm này, Ukraine dự kiến nhận hàng tỷ USD viện trợ quân sự từ phương Tây, cho phép họ đối phó tốt hơn với tên lửa mà Nga có thể dùng trong các đợt tập kích.
Nguyễn Tiến (Theo AFP, Reuters, Forbes)