"Chúng tôi nhiều lần tuyên bố cung cấp thiết bị quân sự cho Ukraine không tác động tới kết quả chiến dịch đặc biệt của Nga, mà chỉ gây thêm rắc rối cho Ukraine và người dân nước này", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói ngày 17/3.
Ông Peskov nhận định kế hoạch chuyển tiêm kích MiG-29 cho Ukraine của Ba Lan và Slovakia giống thanh lý các loại khí tài cũ không cần thiết. "Tất cả khí tài này sẽ bị phá hủy trong chiến dịch đặc biệt", ông Peskov nói.
Ba Lan ngày 16/3 thông báo sẽ chuyển 4 chiếc MiG-29 đang hoạt động bình thường cho Ukraine trong vài ngày tới. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda nói nước này sở hữu khoảng 10-20 chiếc MiG-29, loại tiêm kích mà phi công Ukraine quen vận hành và có thể dùng ngay.
Thủ tướng Slovakia Eduard Heger ngày 17/3 cho biết chính phủ nước này đã duyệt kế hoạch giao 13 tiêm kích MiG-29 cho Ukraine. Tuy nhiên, phần lớn tiêm kích MiG-29 của Slovakia trong tình trạng không thể hoạt động. Những chiếc còn khả năng vận hành sẽ được cung cấp nguyên vẹn, số còn lại được rã xác để lấy phụ tùng.
Ukraine gần đây kêu gọi đồng minh phương Tây chuyển giao tiêm kích trong lúc lực lượng Nga đẩy mạnh các đợt tiến công ở vùng Donbass. Tuy nhiên, Mỹ và các thành viên hàng đầu của NATO từ chối cung cấp tiêm kích F-16 với lý do chúng quá phức tạp để lực lượng Ukraine nhanh chóng làm chủ và bảo dưỡng khí tài, cũng như lo ngại quyết định này có thể khiến Nga leo thang xung đột.
MiG-29 là tiêm kích hạng nhẹ thế hệ 4 được Liên Xô phát triển vào thập niên 1970 và đưa vào biên chế năm 1982, có tốc độ tối đa 2.400 km/h, trần bay 18 km và tầm bay 1.430 km.
Dòng MiG-29 cơ bản được trang bị một pháo GSh-30-1 cỡ nòng 30 mm, 7 giá treo vũ khí và thùng dầu phụ, mang được tối đa 3,5 tấn vũ khí gồm tên lửa đối không R-27 và R-73, cũng như nhiều loại bom và rocket.
Nguyễn Tiến (Theo TASS, AFP)