Sputnik ngày 2/7 đưa tin Bộ Quốc phòng Nga đã bắt đầu các hoạt động chuẩn bị cho việc phóng thử tên lửa đạn đạo Sarmat mạnh nhất của nước này, dự kiến thay thế các tên lửa S-20V Voevoda vào năm 2018.
"Thông thường tên lửa của chúng tôi sẽ được phóng thử ở Plesetsk, bay đến vùng Kura, tuy nhiên, quỹ đạo bay này chỉ thích hợp cho những tên lửa có tầm bắn nhỏ hơn 7.000 km, trong khi nhiều tên lửa của Nga hiện có tầm bắn lên đến 12.000 km. Vì vậy, trong lần thử nghiệm tới, chúng tôi phải phóng Sarmat từ một khu vực phía bắc tới địa điểm nào đó gần quần đảo Hawaii. Đây là một thử nghiệm khó khăn nhưng cần thiết", cựu tham mưu trưởng lực lượng Tên lửa chiến lược Nga Viktor Esin cho biết.
Trước đó, trong cuộc tập trận Stability năm 2008, Nga cũng từng phóng tên lửa đạn đạo R-29RMU2 Sineva từ tàu ngầm ngoài khơi biển Barents đến mục tiêu ở phía tây Hawaii cách đó 11.000 km, lập kỷ lục thế giới về quãng đường mà một tên lửa đạn đạo từng di chuyển.
RS-28 Sarmat là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thế hệ 5 của Nga, hoạt động bằng nhiên liệu rắn, được bắt đầu phát triển vào năm 2009. Sarmat có khả năng mang theo các đầu đạn nặng tới 10 tấn và tổng trọng lượng tên lửa lên đến 105 tấn.
Các đầu đạn của RS-28 đều được trang bị hệ thống dẫn đường độc lập nhằm tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc. Ngoài ra, đầu đạn còn có khả năng chống lại tên lửa đánh chặn, giúp nó vượt qua được lá chắn phòng không đa lớp hiện đại.
Tờ Zvezda dẫn lời các chuyên gia quân sự cho biết Sarmat có sức hủy diệt rất lớn, có thể san bằng một phần lãnh thổ rộng lớn có diện tích tương đương nước Pháp hoặc bang Texas của Mỹ.
Xem thêm: Nga triển khai tên lửa hạt nhân mới có thể san bằng một quốc gia.
Nguyễn Hoàng