"Hành động của thẩm phán và công tố viên Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) cho thấy dấu hiệu vi phạm luật pháp Nga, bao gồm vu khống người vô tội và tìm cách tấn công đại diện nước ngoài được bảo vệ theo luật pháp quốc tế, nhằm gây phức tạp quan hệ trên thế giới", Ủy ban Điều tra Nga ra thông cáo cho biết hôm nay.
Những người nằm trong danh sách điều tra gồm công tố viên Karim Ahmad Khan, thẩm phán Tomoko Akane, Rosario Salvatore Aitala và Sergio Gerardo Ugalde Godinez.
Động thái của Ủy ban Điều tra Nga chỉ mang tính biểu tượng, nhằm đáp trả lệnh bắt Tổng thống Vladimir Putin được ICC đưa ra cuối tuần trước.
Giới chức ICC chưa bình luận về thông tin.
ICC ngày 17/3 phát lệnh bắt Tổng thống Putin và Ủy viên của Tổng thống Nga phụ trách quyền trẻ em Maria Lvova-Belova, với cáo buộc "di chuyển bất hợp pháp" trẻ em Ukraine sang Nga. ICC cho rằng hoạt động nói trên diễn ra sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát.
Quyết định được ICC đưa ra sau cuộc điều tra về cáo buộc Nga phạm tội ác chiến tranh và chống lại loài người liên quan đến chiến sự Ukraine, điều mà Moskva nhiều lần phủ nhận. Nga không công nhận thẩm quyền của ICC, do đó chưa rõ cơ quan này sẽ thực hiện lệnh bắt ra sao.
Về mặt lý thuyết, quyết định yêu cầu 123 nước thành viên ICC bắt Tổng thống Putin và chuyển đến Hà Lan để xét xử nếu ông đặt chân đến lãnh thổ của họ. Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá kịch bản này khó xảy ra.
Mỹ và Nga từng tham gia ICC nhưng đã rút lui và không công nhận cơ quan này. Một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ không tham gia và không công nhận thẩm quyền của ICC.
Theo giới phân tích, lệnh bắt của ICC đối với ông Putin chủ yếu mang tính biểu tượng nhằm thể hiện thái độ với cuộc chiến ở Ukraine. Quyết định này có tác động thực tiễn rất hạn chế, bởi Nga không phải bên tham gia ICC và nước này cũng không công nhận thẩm quyền của ICC. Tổng thống Nga nhiều khả năng cũng sẽ không tới thăm các nước mà Moskva cho là "không thân thiện".
Vũ Anh (Theo Reuters)