Trong những ngày qua, ba máy bay vận tải Condor (An-124) của Nga đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Assad, gần Latakia, Syria và dỡ xuống những thùng container lớn, nhưng chưa ai biết trong những thùng đó chứa gì, CBS News đưa tin.
Ngoài ra, một máy bay chở khách đáp xuống sân bay này, nơi một tổ hợp nhà lắp ghép đã được dựng lên và có thể chứa được hơn 1.000 người. Một quan chức Mỹ giấu tên cho rằng đây là những dấu hiệu Nga đang thiết lập một căn cứ quân sự ở Syria với mục đích chưa rõ ràng.
Lo ngại của Mỹ
Những động thái trên của Nga đã lập tức khiến Mỹ lo lắng. Các quan chức Mỹ cho rằng đây là sự chuẩn bị cho một cuộc can thiệp quân sự, hoặc là việc gia tăng các chuyến hàng viện trợ quân sự của Nga cho chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Quan điểm của Mỹ là "bất cứ nỗ lực nào nhằm hỗ trợ cho chính quyền Assad cũng đều có thể gây ra bất ổn". Sau đó chính phủ Hy Lạp và Bulgaria xác nhận rằng Washington đã yêu cầu họ không cho máy bay quân sự Nga bay qua không phận để tới Syria, một động thái khiến phía Nga bất bình.
Bộ Ngoại giao Bulgaria cho biết nước này không cho phép máy bay vận tải quân sự Nga bay qua không phận để tới Syria trong thời gian từ 1-24/9 vì "những thông tin chưa chính xác" về mục đích của chuyến bay và hàng hóa trên máy bay. Bộ Ngoại giao Hy Lạp cũng "đang xem xét" yêu cầu tương tự của Mỹ.
Nếu bị từ chối bay trên không phận Hy Lạp và Bulgaria, máy bay của Nga sẽ buộc phải hướng xuống phía nam, bay qua Iran và Iraq để tới Syria. Hiện vẫn chưa rõ Mỹ có yêu cầu Iraq từ chối những chuyến bay như vậy hay không.
Hồi cuối tuần, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã gọi điện cho người đồng cấp Nga Sergey Lavrov để bày tỏ những quan ngại trên, và cảnh báo rằng nếu những thông tin về việc Nga tăng cường hiện diện quân sự ở Syria là có thật, nó sẽ làm leo thang xung đột, làm tăng dòng người tị nạn và tăng nguy cơ đối đầu với lực lượng liên quân do Mỹ đứng đầu đang tham gia chiến dịch không kích phiến quân IS ở Syria.
Ngoài những hoạt động của Nga ở sân bay Syria, Mỹ và phương Tây còn lo ngại rằng Nga đang điều quân đến Syria để chiến đấu hỗ trợ cho quân đội chính phủ Syria chống lại phe nổi dậy và các nhóm phiến quân ở nước này. Một số tờ báo phương Tây cho hay trên mạng xã hội đã xuất hiện những bức ảnh chụp các binh sĩ đặc nhiệm Nga hoạt động ở gần Latikiya.
Lời giải của Nga
Đáp lại những lo ngại trên của Mỹ, Nga khẳng định rằng nước này từ trước tới nay đã luôn cung cấp các trang thiết bị cần thiết để giúp chính quyền Damascus chống lại những kẻ khủng bố, và họ sẽ tiếp tục hoạt động hỗ trợ này cho Syria.
Trả lời phỏng vấn NYTimes, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Moscow "đã, đang và sẽ hỗ trợ trang thiết bị cho họ trong cuộc chiến chống khủng bố. Mục đích của Nga là huy động mọi nguồn lực, mọi quốc gia trên thế giới, mọi thành viên của liên minh đối lập, tất cả những người có liên quan nhằm giải quyết cuộc xung đột hiện nay ở Syria".
Bà Zakharova cũng chỉ ra một thực tế là các quốc gia phương Tây "chưa thể đưa ra một mô hình để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria".
"Phương Tây định làm gì vào lúc này? Liệu họ có một chiếc đũa thần để biến một Syria đang chìm đắm trong nội chiến trở thành một nền kinh tế thịnh vượng hay không?", bà nêu câu hỏi.
Nga là quốc gia thân cận nhất với chính quyền của Tổng thống Assad trong thời kỳ đầy biến động của nước này suốt 4 năm rưỡi qua, khi chính quyền Syria phải đối mặt với phong trào nổi dậy đối lập và cả những tổ chức khủng bố khét tiếng như IS, Mặt trận al-Nusra. Quan hệ giữa Nga và Syria đã được thắt chặt từ thời cha của ông Assad cầm quyền.
Hôm thứ 6 tuần trước, Tổng thống Nga Putin cũng khẳng định Nga đang giúp đỡ quân đội Syria về vũ khí và huấn luyện. Khi được hỏi liệu Nga có triển khai quân tới Syria để giúp ông Assad chống lại phiến quân IS hay không, ông Putin cho hay Nga "đang xem xét nhiều khả năng khác nhau".
Về những hình ảnh lính Nga được cho là chụp tại Syria, nhà hoạt động Ruslan Leviev cho rằng điều đó không đồng nghĩa với việc họ đang chiến đấu cho quân đội Syria. Nhiều bức ảnh đã ghi rõ địa điểm chụp, đó là ở gần căn cứ hải quân Nga ở Tartus, nơi Nga có sự hiện diện quân sự hợp pháp và không hề trái với những tuyên bố chính thức của Moscow.
Sự hiện diện quân sự của Nga ở Syria không phải là vấn đề gì mới mẻ. Từ năm 1971, Nga đã thuê một căn cứ hải quân nhỏ tại thành phố cảng Tartus của Syria, và cho đến nay đây là căn cứ hải quân duy nhất của Moscow trên bờ Địa Trung Hải. Căn cứ hải quân Tartus có vị thế chiến lược rất quan trọng đối với Nga, bởi nếu mất căn cứ này, hạm đội Biển Đen của Nga sẽ bị bị cô lập trong "ao làng" Biển Đen và không thể vươn được tới Địa Trung Hải. Hồi đầu năm, phương Tây không khỏi lo ngại khi Tổng thống Assad tuyên bố Nga có thể xây dựng một căn cứ quân sự lớn hơn ở Tartus.
Một đoạn video được tung lên YouTube hồi tháng 8, quay lại một trận chiến ở phía bắc thành phố Latakia, trong đó có một chiếc xe bọc thép do Nga sản xuất được điều khiển bởi những chiến binh nói tiếng Nga. Nhưng ông Leviev cho rằng điều đó không có nghĩa là lính Nga đã tham chiến ở Syria, bởi đây có thể chỉ là những người lính đánh thuê Nga tới Syria để chiến đấu chống IS giống như hàng ngàn lính đánh thuê nước ngoài khác, RT cho hay.
Bộ trưởng Thông tin Syria Omran al-Zoubi cũng bác bỏ những thông tin cho rằng các binh sĩ chính quy của Nga đang chiến đấu cùng với quân đội Syria chống lại phiến quân Hồi giáo cực đoan.
"Không hề có lực lượng Nga và không hề có hành động quân sự của Nga trên lãnh thổ Syria, dù là trên bộ, trên biển hay trên không. Tất cả những thông tin này chỉ nhằm ám chỉ rằng Syria đã suy yếu, và quân đội Syria đã bị hao tổn đến mức phải nhờ vào sự trợ giúp trực tiếp của bạn bè", ông Zoubi nhấn mạnh.
Bộ Ngoại giao Nga khẳng định Nga có các chuyên gia quân sự ở Syria, nhưng họ có mặt ở đây chỉ để huấn luyện quân đội Syria cách sử dụng những vũ khí mà Nga bán cho nước này theo các hợp đồng trước đây. Nga là quốc gia cung cấp vũ khí chính cho Syria, và có thông tin cho hay nước này đã ký hợp đồng bán các hệ thống tên lửa phòng không hiện đại S-300 cho Syria để "chống lại các mối đe dọa từ bên ngoài".
Bà Zakharova cũng nhấn mạnh Nga không tìm cách "chỉ định hay bãi nhiệm tổng thống" ở bất cứ quốc gia nào, kể cả Syria. Bà cho rằng một số nước phương Tây gần đây "thể hiện sự thất bại hoàn toàn trong việc rút ra bài học từ sai lầm" và "việc can thiệp quá sâu vào tình hình Trung Đông đã tạo ra một khu vực đầy bất ổn ngay sau lưng châu Âu", ám chỉ cuộc khủng hoảng nhập cư đang khiến các nước châu Âu phải đau đầu tìm cách đối phó.
Trí Dũng