Tổng thống Putin ngày 6/12 tới Minsk tham dự cuộc họp Hội đồng Nhà nước Tối cao của Nhà nước Liên minh Nga - Belarus, kỷ niệm 25 năm Nhà nước Liên minh được thành lập.
Ông Putin và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko ký hiệp ước đảm bảo an ninh trong Nhà nước Liên minh, liệt kê các nghĩa vụ chung về phòng vệ, bảo vệ chủ quyền, độc lập, trật tự hiến pháp của Nga và Belarus, cũng như "đảm bảo tính toàn vẹn và bất khả xâm phạm của lãnh thổ và biên giới" của Nhà nước Liên Minh.
Theo Tổng thống Putin, mọi lực lượng và phương tiện sẵn có đều có thể được sử dụng để hoàn thành những nhiệm vụ này. "Do đó, tôi cho rằng triển khai các hệ thống như Oreshnik tại Belarus là điều khả thi", ông cho biết và thêm rằng điều này có thể diễn ra vào nửa sau năm 2025, khi hoạt động sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik được đẩy mạnh và vũ khí này được đưa vào biên chế Lực lượng Tên lửa chiến lược Nga.
Ông chủ Điện Kremlin cũng cho biết Belarus có thể tự xác định mục tiêu cho tên lửa Oreshnik được triển khai trên lãnh thổ nước này. Belarus tiếp giáp ba quốc gia NATO là Ba Lan, Latvia và Litva.
Hiệp ước sẽ giúp "bảo vệ an ninh của Nga và Belarus một cách đáng tin cậy, tạo điều kiện cho sự phát triển hòa bình và bền vững hơn nữa của hai quốc gia", Tổng thống nói.
Tên lửa đạn đạo mang đầu đạn siêu vượt âm Oreshnik được Nga lần đầu sử dụng trong cuộc tập kích thành phố miền trung Dnipro của Ukraine hôm 21/11. Giới chức Nga cho biết Oreshnik là tên lửa đạn đạo tầm trung, trong khi Mỹ xác định nó là tên lửa đạn đạo tầm xa.
Tổng cục Tình báo Quốc phòng Ukraine (GUR) nhận định tên lửa Oreshnik mang theo 6 đầu đạn, mỗi đầu đạn lại chứa 6 đầu đạn con. Thời gian bay của quả đạn từ lúc phóng ở khu vực Astrakhan đến Dnipro là 15 phút, với tốc độ ở pha cuối là trên Mach 11 (khoảng 13.600 km/h).
Với tốc độ bay này của Oreshnik, toàn bộ hệ thống phòng không của Ukraine hiện nay đều không có khả năng đánh chặn.
Belarus là đồng minh thân thiết của Nga và từng cho phép Nga sử dụng lãnh thổ để mở đợt tấn công vào Ukraine. Hiệp định thành lập Nhà nước Liên minh Nga - Belarus được ký kết vào năm 1999, nhằm thiết lập cơ sở pháp lý cho nhà nước liên minh trên các lĩnh vực như kinh tế, thông tin, công nghệ, nông nghiệp và an ninh biên giới.
Tổng thống Putin năm ngoái thông báo triển khai tên lửa hạt nhân chiến thuật tại Belarus nhằm răn đe phương Tây. Tổng thống Lukashenko tháng 10 cùng năm khẳng định việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga tại Belarus cần phải được cá nhân ông chấp thuận.
Ông Putin hôm 19/11 ký phê duyệt học thuyết hạt nhân sửa đổi, trong đó có nội dung mở rộng ô hạt nhân của Nga cho Belarus và giảm ngưỡng quy định cho phép Moskva sử dụng vũ khí hạt nhân.
Phạm Giang (Theo Reuters, TASS)