"Chúng tôi ủng hộ đề xuất này bằng mọi cách", Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov hôm 11/7 trả lời phỏng vấn, khi được hỏi về ý tưởng bán khí đốt hóa lỏng (LNG) bằng đồng ruble do tập đoàn Gazprom đưa ra.
Hãng tin Interfax trước đó dẫn lời một quản lý cấp cao Gazprom ngày 4/7 nói tập đoàn này đang đề xuất mở rộng chương trình bán khí đốt bằng ruble để áp dụng với cả LNG. Nga trước đó áp dụng chương trình này với khí đốt tự nhiên chuyển bằng đường ống cho các nước châu Âu và đã cắt nguồn cung với những quốc gia không chấp nhận thanh toán bằng ruble.
Thông tin xuất hiện sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 30/6 ký sắc lệnh thành lập công ty mới tiếp quản tất cả quyền và nghĩa vụ của Công ty Đầu tư Năng lượng Sakhalin, tập đoàn điều hành và phát triển dự án dầu khí Sakhalin-2 liên doanh với Nhật.
Moskva chiếm khoảng 8% tổng nguồn cung LNG toàn cầu với sản lượng khoảng 40 tỷ m3 mỗi năm, chủ yếu đến từ Sakhalin-2 và Yamal LNG, cơ sở LNG lớn nhất Nga.
Phần lớn LNG của Nga được tiêu thụ ở châu Á. Tại châu Âu, Tây Ban Nha là một trong những khách hàng mua nhiều LNG nhất của Nga.
Tuy nhiên, Tilak Doshi, giám đốc công ty tư vấn Doshi Consulting, ý tưởng bán LNG bằng rouble của Nga chủ yếu nhằm vào Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ để đáp trả các lệnh trừng phạt từ phương Tây, không hướng đến các khách hàng mua LNG ở châu Á.
Phương Tây trước đó đóng băng khoảng 300 tỷ USD trong tổng số 640 tỷ USD dự trữ vàng và ngoại hối của Nga, một trong những biện pháp trừng phạt Moskva vì mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Hồi tháng 3, Tổng thống Putin tuyên bố "các quốc gia không thân thiện" sẽ phải thanh toán tiền mua khí đốt từ Nga bằng ruble. Danh sách "nước kém thân thiện" gồm các quốc gia áp đặt lệnh cấm vận với Nga, trong đó có Mỹ, các nước thành viên EU, Anh, Nhật Bản, Canada, Na Uy, Singapore, Hàn Quốc, Thụy Sĩ và Ukraine.
Như Tâm (Theo Reuters)