T-14 Armata bắn thử nghiệm
Một số thông tin chưa được kiểm chứng trên truyền thông Nga gần đây cho biết xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ ba T-14 Armata hiện đại nhất của Nga có thể được trang bị khẩu pháo mới cỡ nòng lớn hơn, có khả năng bắn đạn hạt nhân, Diplomat ngày 17/4 đưa tin.
Theo đó, tập đoàn Uralvagonzavod (UVZ) có thể trang bị pháo 2A83 cỡ nòng 152 mm mới cho biến thể mới nhất của dòng T-14. Khẩu pháo nòng trơn cỡ lớn này có thể bắn đạn hạt nhân chiến thuật do UVZ phát triển. Nga được cho là đã đạt được những bước tiến quan trọng trong công nghệ hạt nhân chiến thuật, đủ sức tạo ra những loại đạn nhỏ có sức công phá lớn.
Tuy nhiên, tăng T-14 Armata phiên bản hiện nay vẫn giữ khẩu pháo 2A82 cỡ nòng 125 mm, vì các kỹ sư Nga cho rằng những khẩu pháo cỡ nòng lớn hơn sẽ không phát huy hiệu quả thực tế trên chiến trường.
Pháo 2A83 cỡ nòng 152 mm có thể bắn đạn xuyên giáp bay xa tới 5.100 mét, xuyên thủng lớp giáp dày tới một mét. Tuy nhiên, nhược điểm của nó là trọng lượng lên tới 5 tấn, gần gấp đôi trọng lượng 2,7 tấn của khẩu pháo 125 mm. Nòng pháo này cũng chỉ chịu được tối đa 280 phát bắn, trong khi nòng 125 mm có thể chịu được 900 phát bắn.
Các chuyên gia quân sự cũng cho rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân trên chiến trường không phù hợp với học thuyết quân sự của Nga.
Pháo 2A82-1M cỡ nòng 125 mm trên T-14 Armata có sơ tốc đầu nòng cao hơn 20% so với pháo Rheinmetall 120 mm L/55 tối tân của Đức. Pháo 2A82-1M có tốc độ bắn tới 10 phát/phút nhờ hệ thống nạp đạn tự động, tầm bắn hiệu quả lên tới 7 km. Nếu T-14 Armata sử dụng pháo 2A83 152 mm, tốc độ bắn sẽ giảm đi nhiều do kích thước đạn lớn hơn hẳn.
T-14 Armata là dòng xe tăng chiến đấu chủ lực đầu tiên được Nga phát triển mới hoàn toàn từ sau khi Liên Xô tan rã. Nó sở hữu hệ thống phòng thủ chủ động Afghanit, cùng giáp phản ứng nổ thế hệ mới, đủ khả năng đối phó tên lửa và các loại đạn pháo chống tăng tối tân trên thế giới.
Tổ lái ngồi trong khoang bảo vệ riêng với lớp giáp tương đương 900 mm RHA. Tháp pháo được điều khiển từ xa với hàng loạt hệ thống cảm biến hiện đại, cùng thiết kế làm giảm độ phản xạ radar và hồng ngoại.
Nga dự kiến sản xuất và biên chế khoảng 2.000 xe tăng T-14 Armata trong giai đoạn 2015-2020. Khoảng 20 chiếc được triển khai tại các đơn vị tăng thiết giáp để thử nghiệm, quá trình chế tạo hàng loạt có thể đã bắt đầu từ cuối năm 2016.
Duy Sơn