Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI) hôm 19/5 công bố báo cáo 30 trang về năng lực tác chiến của Nga tại Ukraine sau 15 tháng chiến sự, nhấn mạnh quan điểm cho rằng quân đội Nga đang suy yếu đã quá lạc hậu hoặc bị hiểu sai dựa trên thông tin không đầy đủ về tình hình thực tế.
Báo cáo được RUSI tiến hành trong tháng 4-5, dựa trên các cuộc phỏng vấn binh sĩ thuộc 10 lữ đoàn Ukraine đã và đang đối đầu với lực lượng Nga suốt hơn một năm qua.
RUSI cho rằng truyền thông phương Tây thường tập trung vào nhược điểm của lực lượng Nga như phụ thuộc vào pháo binh và nhiều đơn vị có sĩ khí thấp, nhưng bỏ qua hàng loạt bước tiến lớn của Moskva và những thay đổi trong phương thức tác chiến của họ.
"Quân đội Nga không phải lực lượng rệu rã như truyền thông mô tả. Mạng xã hội chứa đầy thông tin tuyên truyền từ hai phía, chúng tôi cho rằng cần có đánh giá thực tế hơn về năng lực tác chiến của Nga", Nick Reynolds, một trong hai tác giả báo cáo, cho biết và cảnh báo rằng điều này có thể cản trở chiến dịch phản công vốn rất được kỳ vọng của Ukraine.
Các chuyên gia RUSI cho rằng việc hiểu rõ thay đổi trong chiến thuật của Nga trên chiến trường không chỉ quan trọng với Ukraine, mà còn có tác động đến những nước thành viên NATO.
"Nga đã khắc phục phần lớn sai sót trong phòng không chiến trường giai đoạn đầu, thông qua kết nối mạng lưới cảm biến dày đặc với các hệ thống tên lửa phòng không dọc chiến tuyến dài 1.200 km. Điều đó giúp họ vô hiệu hóa gần như toàn bộ mối đe dọa từ tên lửa diệt radar AGM-88 HARM và rocket dẫn đường, cũng như có khả năng bắn rơi chiến đấu cơ Ukraine bay thấp từ khoảng cách tới 150 km", báo cáo có đoạn.
Theo RUSI, các đơn vị tác chiến điện tử Nga hiện được triển khai đến cấp trung đội và liên tục thay đổi phương án hoạt động, khiến Ukraine mất khoảng 10.000 máy bay không người lái (UAV) mỗi tháng. Quân đội Nga dường như cũng đã giải mã được hệ thống liên lạc mã hóa Motorola của Ukraine theo thời gian thực, giúp họ dò được các cuộc trao đổi của chỉ huy đối phương trên chiến trường.
Công binh Nga có khả năng xây dựng cầu phao với tốc độ tương đương giai đoạn đầu chiến sự, cũng như thiết lập mạng lưới hầm hào và bãi mìn phức tạp để ngăn xe tăng, thiết giáp cùng bộ binh Ukraine phản công.
Các sở chỉ huy Nga, vốn là mục tiêu của pháo phản lực HIMARS và từng nhiều lần bị chặn thu liên lạc hồi giữa năm ngoái, giờ đây được chuyển tới những lô cốt kiên cố được ngụy trang kỹ. Binh sĩ Nga cũng tận dụng mạng lưới điện thoại địa phương để ngăn nguy cơ bị nghe trộm.
Xe tăng chiến đấu chủ lực T-72 và T-80 đã được cải tiến hệ thống giáp phản ứng nổ để đối phó với vũ khí chống tăng phương Tây, cũng như hạn chế khả năng bị tên lửa tầm nhiệt khóa mục tiêu.
"Quân đội Nga từng bị phương Tây chế nhạo khi triển khai xe tăng chủ lực T-55 và T-62 lạc hậu, nhưng đó vẫn là mối đe dọa nghiêm trọng trên chiến trường. Chúng không được sử dụng như xe tăng xung kích truyền thống, mà đóng vai trò yểm trợ hỏa lực như xe chiến đấu bộ binh, với pháo lớn và giáp dày hơn những xe thiết giáp thông thường", báo cáo của RUSI có đoạn.
Sử dụng lượng lớn bộ binh tại Bakhmut cũng là "chiến thuật hợp lý" của Nga để bù đắp thiệt hại nặng nề về thiết giáp, đạn dược và binh lính dày dạn kinh nghiệm trong giai đoạn đầu chiến sự.
"Lực lượng Nga triển khai các tổ đội tân binh trang bị nhẹ để thăm dò và dụ chốt phòng thủ Ukraine lộ diện, sau đó điều những đơn vị thiện chiến và trang bị tốt hơn để xóa sổ mục tiêu. Chiến thuật này cho phép kết hợp lượng lớn nhân lực thiếu kinh nghiệm với số ít tay súng lão luyện", Renolds viết trong báo cáo.
Dù vậy, các chuyên gia RUSI cho rằng quân đội Nga chưa tìm ra biện pháp đối phó hiệu quả với những vũ khí mới được phương Tây chuyển giao cho Ukraine, trong đó có tổ hợp phòng không Patriot và tên lửa tàng hình Storm Shadow.
Nhóm chuyên gia RUSI cũng chỉ ra rằng Nga đã ngừng các đợt tấn công ồ ạt vào hạ tầng năng lượng Ukraine, thay vào đó là tập kích hàng loạt kho đạn và xăng dầu, cũng như điểm tập kết binh lực và vũ khí của đối phương.
"Ngừng tấn công hạ tầng năng lượng có thể là dấu hiệu cho thấy Nga đang tìm cách bào mòn quân đội Ukraine để ngăn lực lượng này mở chiến dịch phản công. Nếu các địa điểm bị đánh trúng là mục tiêu quân sự, nhiều khả năng quân đội Ukraine sẽ không thừa nhận", Ben Barry, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại Anh, nêu quan điểm.
Vũ Anh (Theo Bloomberg)