"Chúng tôi có những lực lượng khu vực được trang bị hệ thống tên lửa này. Họ có thể được điều động tới lãnh thổ Belarus để thực hiện nhiệm vụ nếu cần", Thứ trưởng Quốc phòng Belarus Viktor Khrenin nói hôm qua.
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hôm 13/11 gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin, tỏ ý muốn tiếp nhận hàng loạt tiểu đoàn tên lửa đạn đạo Iskander để triển khai ở biên giới phía tây và nam đất nước, khu vực giáp với Ba Lan và Ukraine.
Phát biểu được đưa ra trong bối cảnh Ba Lan triển khai 15.000 lính đến biên giới giáp Belarus nhằm ngăn chặn hàng nghìn người di cư từ Trung Đông tìm cách tiến vào Ba Lan xin tị nạn. Liên minh châu Âu (EU) cáo buộc Belarus khuyến khích người di cư vượt biên vào khối thông qua ngả Ba Lan nhằm trả đũa các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Minsk.
Tổng thống Lukashenko nhiều lần phủ nhận cáo buộc tạo ra một cuộc khủng hoảng di cư với Ba Lan, đồng thời đổ lỗi cho phương Tây về tình trạng vượt biên và cách đối xử với người di cư.
Iskander là tên lửa một tầng đẩy sử dụng nhiên liệu rắn, trang bị hệ thống dẫn đường vệ tinh, có chiều dài 7,2 m, đường kính 0,95 m, khối lượng phóng 3,8 tấn, tầm bắn tối đa 500 km, có thể mang cả đầu đạn thông thường cũng như đầu đạn hạt nhân.
Điểm nổi bật của Iskander là khả năng xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ tên lửa trên thế giới. Mỗi quả đạn có tốc độ tối đa 9.350 km/h cùng tính năng liên tục thay đổi đường bay và tung mồi bẫy, nhằm vô hiệu hóa các nỗ lực đánh chặn của đối phương.
Phiên bản Iskander-M còn được trang bị đầu dò quang - điện tử cùng liên kết dữ liệu với máy bay không người lái (UAV) hoặc phi cơ cảnh báo sớm và chỉ huy trên không, cho phép tên lửa đánh trúng cả mục tiêu di động với sai số chỉ hai mét.
Ngoài Nga, chỉ có Armenia và Algeria sở hữu loại tên lửa này.
Vũ Anh (Theo TASS)